Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác xoá đói giảm nghèo. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Bác coi xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách như chống giặc ngoại xâm. Người chỉ rõ “đói nghèo là giặc” cần phải tiêu diệt. Chính Người phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và phong trào dành một nắm gạo nhỏ cứu đói, thể hiện sự coi trọng và việc làm cụ thể của Người đối với công tác xoá đói giảm nghèo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác xoá đói giảm nghèo. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Bác coi xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách như chống giặc ngoại xâm. Người chỉ rõ “đói nghèo là giặc” cần phải tiêu diệt. Chính Người phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và phong trào dành một nắm gạo nhỏ cứu đói, thể hiện sự coi trọng và việc làm cụ thể của Người đối với công tác xoá đói giảm nghèo.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Ðảng ta đã xác định mục tiêu của xã hội mà chúng ta đang xây dựng là con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Do vậy, vấn đề xoá đói giảm nghèo luôn là quan điểm xuyên suốt, là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, tạo động lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hệ thống chính trị luôn xem xây dựng hạ tầng nông thôn là vấn đề cốt lõi để nâng cao đời sống Nhân dân. Ảnh: MINH TẤN |
Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách và dành nguồn tài chính lớn cho công tác xoá đói giảm nghèo như: chương trình giải quyết việc làm; chương trình xoá đói giảm nghèo 134, 135; chương trình xây dựng nông thôn mới… nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ đói nghèo, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Ðiều đó được thể hiện qua 30 năm đổi mới: đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng khá; sản xuất lương thực không chỉ đủ cho nhu cầu trong nước mà trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới; đời sống Nhân dân cải thiện rõ rệt; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, còn nhiều khó khăn, một bộ phận Nhân dân còn nghèo. Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, kinh tế của tỉnh phát triển khá, các ngành, các lĩnh kinh tế quan trọng tập trung đầu tư tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định khoảng 8,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.700 USD.
Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực: vận động gần 600 tỷ đồng Quỹ Vì người nghèo; xây dựng hơn 13.000 căn nhà cho người nghèo; giúp hơn 36.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh giảm còn 3,4%.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế: giảm nghèo chưa bền vững. Hiện tượng tái nghèo còn phổ biến, một bộ phận Nhân dân “giáp ranh” giữa thoát nghèo và nghèo dễ bị tác động bởi yếu tố thiên tai, bệnh tật, mất việc làm, giá nông sản bấp bênh làm cho người thoát nghèo dễ tái nghèo, người nghèo khó vươn lên thoát nghèo. Một bộ phận người nghèo không nỗ lực thoát nghèo hoặc không có khả năng thoát nghèo. Ðồng bào dân tộc thiểu số chính là “lõi nghèo” chiếm tỷ lệ cao, còn duy trì tập quán sản xuất lạc hậu.
Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất gặp khó khăn do thiếu quỹ đất. Một số nơi, chính quyền địa phương chưa tích cực trong công tác giảm nghèo, chạy theo thành tích; nhiều xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và địa phương trong giảm nghèo chưa chặt chẽ, đồng bộ; công tác khuyến nông, lâm, ngư và hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo hiệu quả chưa cao…
Để thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%, đòi hỏi các cấp, các ngành thực sự nỗ lực với quyết tâm cao, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục.
Tỉnh cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền địa phương, của cộng đồng xã hội và của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục tạo chuyển biến về nhận thức, làm cho người nghèo, hộ nghèo tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước.
Chính quyền địa phương thường xuyên bám sát cơ sở theo dõi, phân loại, xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực; cần gắn các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thực hiện tốt việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phụ trách giúp xã nghèo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ. Phát huy hiệu quả mô hình đảng viên có điều kiện nhận giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Củng cố, nâng cao vai trò của các hội, đoàn thể, lực lượng làm công tác giảm nghèo ở các cấp đặc biệt là các tổ, nhóm, cộng tác viên. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của ban chỉ đạo, bộ phận làm công tác giảm nghèo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
Quy trình xét, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các quỹ đóng góp, tài trợ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm cần tiến hành công khai, dân chủ, đúng đối tượng, tránh chạy theo thành tích, bỏ sót đối tượng; quan tâm, cải thiện điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống cho các hộ thoát nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất thấp; có hình thức tuyên dương khen thưởng những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu.
Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; hình thành mối liên kết vững chắc giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông; khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tạo việc làm tại chỗ cho người lao động; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như: trang bị phương tiện lao động, hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm đào tạo, dạy nghề: thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho người lao động, nhất là người lao động nghèo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng lao động giúp họ có cơ hội việc làm, tăng thu nhập; vận động người nghèo học nghề, giới thiệu việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp.
Làm tốt công tác xã hội hoá trong giảm nghèo: phát huy truyền thống tương thân tương ái; khuyến khích sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, nhà doanh nghiệp, mạnh thường quân vào công tác an sinh xã hội; quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc được tiếp cận giáo dục, y tế, khoa học, văn hoá…
Phát huy kết quả đạt được, cùng với sự chủ động, tích cực, sáng tạo, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, công tác xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ có bước chuyển mới tích cực hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra./.
Trần Văn Hiện - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch HÐND tỉnh