(CMO) Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của một số doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chưa cao. Chính vì vậy, ngành BHXH tỉnh Cà Mau đang tích cực rà soát và tuyên truyền để các đối tượng DN này tham gia. Bước đầu nhận thức của các chủ DN có sự chuyển biến tích cực.
Nâng cao nhận thức của DN
Thực trạng chung, hiện nay ngoài trường hợp DN biết luật nhưng vẫn cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH thì nhiều chủ DN vẫn chưa hiểu nhiều về Luật Bảo hiểm nên chưa tham gia. Không ít DN mới thành lập, sau khi ngành chức năng đến kiểm tra, tuyên truyền biết được mình có trách nhiệm phải tham gia BHXH, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận tải nhỏ... Chính vì vậy, ngành BHXH đang tích cực triển khai các hoạt động vừa kiểm tra rà soát, vừa tuyên truyền nhằm giúp các chủ DN hiểu rõ trách nhiệm đóng BHXH của mình.
Thực tế, do đặc thù ngành nghề kinh doanh mà DN thường sử dụng nhiều đối tượng lao động khác nhau. Tuy nhiên, có 3 nhóm đối tượng mà hầu hết DN nào cũng sử dụng đó là: Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; Người quản lý DN có hưởng lương.
Theo Điều 2, Luật BHXH mới nhất, tất cả những lao động trên đều thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, khi sử dụng những lao động này, DN có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Trường hợp DN không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng thì bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động (theo Khoản 21, Điều 1, Nghị định 88/2015).
Ngoài ra, nếu không đóng bảo hiểm cho toàn bộ lao động thuộc diện bắt buộc tham gia thì bị phạt tiền từ 18-20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm và tối đa không quá 75 triệu đồng. Trường hợp DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động theo Quyết định 772/QĐ-BHXH, trong 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký BHXH cho người lao động. Trường hợp chậm đóng, đóng không đúng mức quy định hoặc đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia thì DN có thể bị phạt tiền từ 12-15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm và tối đa không quá 75 triệu đồng (theo Khoản 2, Điều 26, Nghị định 95/2013).
Cơ quan BHXH tỉnh tuyên truyền và ký hợp đồng đóng bảo hiểm với DN. |
Nhiều DN than khó
Trong quá trình đoàn công tác BHXH tỉnh đến tận cơ sở DN để rà soát, tuyên truyền cũng đã ghi nhận thực tế là DN dù muốn tham gia nhưng vẫn gặp khó trong ký kết hợp đồng với lao động do đặc thù hoạt động, nhất là DN xây dựng.
Đã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng khá lâu nhưng Công ty Xây dựng Vạn Tường, Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời vẫn chưa mua bảo hiểm cho người lao động. Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc công ty, cho biết: “Đặc thù công việc là công trình ở đâu thì thuê lao động ở đó và thường họ chỉ làm theo công nhật, không ký kết hợp đồng nên không mua BHXH theo quy định”.
Bên cạnh đó, khi DN muốn ký kết hợp đồng lao động với công nhân nhằm có tính ràng buộc, người lao động lại chưa mặn mà do chưa hiểu hết quyền lợi của mình khi có được hợp đồng lao động.
Anh Nguyễn Quốc Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Thiện Nhẫn, thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Hiện nay, người lao động vẫn chưa nhận thức được quyền lợi của mình khi được ký kết hợp đồng lao động, DN muốn ký hợp đồng cũng khó. Chúng tôi hiện chỉ thuê nhân công theo công việc hoặc họ đồng ý làm cho mình nhưng không chịu ký hợp đồng”.
Vấn đề này DN cũng gặp khó khăn khi người lao động từ chối ký hợp đồng. Anh Nguyễn Quốc Văn cho biết thêm, khi không có hợp đồng lao động, DN không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ đóng BHXH mà vấn đề quản lý nhân viên cũng khó khăn do không có tính ràng buộc, họ thích thì làm không thích thì nghỉ ngang, DN cũng thiệt.
Mặc dù nhiều DN còn vướng khó khăn trong vấn đề thuê lao động, nhưng qua quá trình tuyên truyền, ý thức trách nhiệm tham gia đóng BHXH của các chủ DN được nâng lên. “Qua quá trình tuyên truyền của cơ quan BHXH, DN chúng tôi hiểu rõ hơn về trách nhiệm tham gia bảo đóng bảo hiểm của mình và sẽ tiến hành làm thủ tục sớm nhất”, anh Nguyễn Quốc Văn cho biết.
Theo quy định, bất cứ DN nào đang sử dụng lao động đều phải có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động để đảm bảo lợi ích về sau cho người hưởng BHXH. Tuy nhiên, ngoài việc DN chưa hiểu biết về Luật Bảo hiểm, cũng có nhiều DN hoặc cố tình không hiểu về BHXH, hoặc trốn đóng bảo hiểm, nhất là đối với DN tư nhân. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế, chính sách pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo, đặc biệt là khâu tổ chức thực thi chưa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài. Chính vì yếu tố này mà có không ít DN cố tình chậm đóng BHXH nhằm chiếm dụng tiền để phục vụ đầu tư, kinh doanh hay cho các mục đích khác./.
Đặng Duẩn