(CMO) Trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí môi trường giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Những năm qua, huyện Thới Bình luôn chú trọng các giải pháp thực hiện, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý rác thải trên địa bàn.
Chú trọng tuyên truyền
Thực hiện mục tiêu bảo vệ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các biện pháp BVMT. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phát động Nhân dân thực hiện nhiều phong trào, mô hình BVMT.
Huyện thường xuyên mở các đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn, xử lý tình trạng ô nhiễm tồn đọng lâu ngày trên các tuyến kênh, sông, khu dân cư… Phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ô nhiễm tồn đọng.
Trong 5 năm qua, huyện luôn chủ động lập kế hoạch cũng như quy hoạch các khu chứa rác thải. Bên cạnh đó, hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ thu gom rác thải và xử lý rác thải cho các xã, thị trấn. Ước tính tổng lượng rác thu gom, vận chuyển và xử lý 5 năm qua khoảng 9.000 tấn, tổng kinh phí chi cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý ô nhiễm khoảng 3,5 tỷ đồng.
Phát động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân cư thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đúng quy định; dọn vệ sinh tại chỗ và quanh khu vực làm việc, khu vực sản xuất, hoạt động, nơi sinh sống, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Ðến nay, trên địa bàn huyện đã đầu tư được 1 lò đốt rác tại xã Trí Lực, 7 điểm tập kết rác tại các xã và thị trấn để bố trí thu gom, vận chuyển đưa về nhà máy xử lý rác.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Nhìn chung, công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền, vận động được các ngành, các cấp trong huyện thực hiện nghiêm túc. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên rõ rệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện. Cùng với đó, lực lượng được giao nhiệm vụ làm công tác BVMT có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu hiện nay, luôn có ý thức nâng cao chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở địa phương chuyển biến tích cực trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên, ông Vững cũng nhìn nhận, mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song, với góc nhìn tổng thể thì ý thức BVMT của một bộ phận người dân và doanh nghiệp từng lúc chưa cao. Công tác bảo vệ nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng đúng mức, quản lý tài nguyên còn lỏng lẻo. Mặt khác, chưa có sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với BVMT, nhiều nhà máy không có công trình xử lý bụi, nước thải; chợ, khu dân cư chưa có khu vực xử lý rác thải đúng tiêu chuẩn. Trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng hoá chất như phân bón, thuốc trừ sâu còn tuỳ tiện, chưa theo quy định rõ ràng. Trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát tình trạng ô nhiễm còn thiếu, dẫn đến thiếu chủ động trong kiểm tra, kiểm nghiệm...
Từng bước nâng chất tiêu chí môi trường
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình, cho biết, các xã đã đạt chuẩn NTM cơ bản giữ vững được các chỉ tiêu của tiêu chí về môi trường. Riêng xã Trí Lực, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt thấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định, cần khắc phục như: một số cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý chất thải, nước thải không đảm bảo. Việc trồng cây xanh, cây cảnh tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp đạt tỷ lệ chưa cao. Một số đoạn đường không có nhà ở tập trung, cỏ dại còn nhiều. Những nơi chưa được đầu tư lộ bê-tông thì việc trồng cây cảnh, cây xanh làm hàng rào còn ít.
Trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại xã Tân Phú. |
Vẫn còn những hộ dân xử lý rác thải sinh hoạt chưa đúng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Chưa thật sự đảm bảo yêu cầu về BVMT theo hướng dẫn, một số hộ gia đình chưa làm tốt việc vệ sinh khu vực xung quanh nhà.
Tình trạng nhà tiêu, nhà tắm không hợp vệ sinh vẫn còn, nhưng chủ yếu tập trung vào các hộ dân sống ven sông, các hộ dân thuê đất nuôi tôm, các hộ có đất trên địa bàn ấp, xã nhưng không có hộ khẩu thường trú nơi có đất. Ðây là khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền của địa phương.
“Ðể đảm bảo mục tiêu về môi trường trong xây dựng NTM, ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã, ban phát triển các ấp cần tiếp tục vận động, hướng dẫn hộ dân trồng thêm cây xanh, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường, trồng hàng rào cây xanh trên một số tuyến đường liên ấp. Hướng dẫn người dân phương pháp chôn lấp rác sinh hoạt hợp vệ sinh và thu gom, phân loại rác hàng ngày; phát quang cỏ dại, tạo môi trường thông thoáng. Tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu của tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm./.
Văn Ðum