(CMO) Đây là thông điệp mà Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, diễn ra vào chiều ngày 2/6 theo hình thức trực tuyến 3 cấp.
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Trong phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân nhấn mạnh: “Cà Mau là 1 trong số ít tỉnh chưa có ca nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch. Toàn tỉnh tập trung cao độ, dồn sức để phòng, chống dịch. Cà Mau thực hiện mục tiêu kép, song lấy phòng, chống dịch là ưu tiên cao nhất. Vài tuần tới là rất quan trọng, mang tính chất bản lề để quyết định phương hướng phát triển của tỉnh nhà trong năm 2021".
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, trong bối cảnh hiện tại, Cà Mau cần phải chú trọng chăm lo đời sống Nhân dân, tăng cường nắm bắt, hỗ trợ kịp thời cho người dân trong lao động sản xuất. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ phải gắn với việc thích ứng cao độ trong tình hình dịch bệnh ở các lĩnh vực quản lý, điều hành, giải quyết công vụ và cả trong thói quen của người dân.
Kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục phát triển
Trong tháng 5, bên cạnh việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 5 tuy có giảm so với tháng trước, nhưng lũy kế 5 tháng tiếp tục phát triển.
Chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lũy kế tăng 15,9%. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế tăng 19,3%; tổng sản lượng thủy sản tăng lũy kế tăng 3,8% (riêng sản lượng tôm tăng 9,6%).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 11%, số vốn đăng ký tăng gấp 1,4 lần so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch tăng 27% và doanh thu du lịch tăng 10%. Đặc biệt, đã cấp mới 11 Giấy chứng nhận đầu tư dự án, với tổng số vốn đăng ký 2.784,8 tỷ đồng.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; tai nạn giao thông, cháy nổ giảm so với cùng kỳ.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến 3 cấp, bố trí giãn cách, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Thích ứng với điều kiện bình thường mới
Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội tỉnh còn một số khó khăn nhất định như: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tác động tiêu cực đến một số lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là du lịch; thu ngân sách giảm 10,7% so với cùng kỳ; giá một số vật liệu xây dựng tăng đột biến, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án xây dựng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; tình trạng nhập cảnh trái phép trên biển vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp…
UBND tỉnh đề ra 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và những tháng cuối năm 2021. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu kép là vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị và chăm lo cuộc sống của người dân trên tinh thần thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Toàn tỉnh phải đáp ứng khoảng 2.500 trường hợp cách ly
Liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đánh giá, công tác phòng, chống dịch ở các địa phương đều được siết chặt, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm thông điệp 5K, quản lý tốt người đi về từ vùng dịch, sẵn sàng các phương án khi có dịch.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân ý thức vẫn còn lơ là, khai báo gian dối, gây khó khăn trong việc xác minh, truy vết, khoanh vùng. Một số nơi chưa nắm chắc địa bàn, thế nên vẫn có sai phạm tới mức bị xử phạt, để sót lọt những đối tượng có nguy cơ dịch tễ cao.
Các thông tin lan truyền trên mạng xã hội phức tạp, tạo dư luận xấu, tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Vì vậy, thông tin về phòng, chống dịch phải rõ ràng, chính thống.
Một số tổ chức, cá nhân ở huyện Trần Văn Thời vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình vì có những thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại phiên họp, Chủ tịch UBND huyện, ông Trần Tấn Công cho biết: “Huyện nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót, cam kết sẽ siết chặt phòng, chống dịch, không để tình trạng sót lọt đối tượng, lơ là chủ quan như vừa xảy ra. Trường hợp nghi nhiễm đã được khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm âm tính lần 1”.
Với vai trò nòng cốt của ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: “Phải nắm chặt địa bàn, nắm được người đi/về từ vùng dịch. Tuy nhiên, thực tế là việc này chưa được thực hiện đầy đủ. Một bài học kinh nghiệm là các địa phương phải nâng cao cảnh giác khi tiếp cận đối tượng có các yếu tố dịch tễ, có biểu hiện bệnh để xử lý kịp thời. Thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các nhà máy, xí nghiệp, kinh doanh trên địa bàn cần phải được siết chặt hơn nữa, phải xây dựng được phương án ứng phó nếu có dịch bệnh xảy ra".
Theo ông Dũng nhận định, trong tình hình mới, mỗi huyện phải sẵn sàng để có tối thiểu đáp ứng được 100 trường hợp cách ly tập trung, toàn tỉnh đáp ứng khoảng 2.500 trường hợp cách ly.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân yêu cầu: “Công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải được triển khai một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt theo tinh thần chung của đất nước, của địa phương. Khắc phục ngay những hạn chế đã qua trong phòng, chống dịch. Kiên quyết chấn chỉnh, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kêu gọi: “Hãy phòng, chống dịch bằng tinh thần, quyết tâm cao nhất; xây dựng thế trận toàn dân trong phòng, chống dịch”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo, ngành y tế tổ chức tốt công tác khám sàng lọc, bảo đảm an toàn nhân lực và cơ sở y tế. Ngành giáo dục chuẩn bị điều kiện tốt nhất để các em học sinh thi tốt nghiệp THPT theo tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc sử dụng các bộ sách giáo khoa mới cũng phải triển khai kịp thời, phù hợp.
Thành trì quan trọng nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và toàn dân
Một vấn đề quan trọng được bàn tại phiên họp là tình hình sản xuất của người dân trong tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều cho biết: “Các ngành sản xuất của Cà Mau có mức tăng trưởng ổn định, tăng so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp đều có những tín hiệu tích cực về sản lượng, năng suất; biến động thị trường không quá phức tạp”.
Theo ông Triều, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng khoảng 100 sản phẩm OCOP để tham gia thị trường. Dồn sức cho công tác dự báo, các phương án ứng phó với mùa mưa bão sắp tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân đánh giá: “Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, dù tình hình khó khăn, dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát, song Cà Mau vẫn đạt được những kết quả phát triển quan trọng, an toàn trước dịch bệnh. Tổ chức thành công cuộc bầu cử”.
Về các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phải coi nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên cao nhất trong bối cảnh hiện tại. Thành trì quan trọng nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, toàn dân; phải thiết lập được kỷ cương, thế trận toàn dân trong phòng, chống dịch. Thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo toàn diện cho đời sống Nhân dân, công nhân tại các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp.
Tốc độ giải ngân vốn chậm, các chủ đầu tư không quyết liệt, thế nên dự án tái định cư khu B cửa biển Cái Cám, Tân Hải (Phú Tân) chưa thể cho người dân vào ở đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo, cần có những hội nghị riêng hoặc làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để rà soát, nắm bắt nguyên nhân chậm trễ của các dự án, công trình liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Sớm phê duyệt quy hoạch đề án của từng địa phương, từng lĩnh vực và toàn tỉnh để có định hướng phát triển, thu hút đầu tư./.
Quốc Rin