(CMO) Đến thời điểm hiện nay, tỉnh có 6 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 1 phòng công chứng và 5 văn phòng công chứng, với 11 công chứng viên. Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Theo số liệu thống kê từ ngày 1/1/2015 đến cuối năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chúng 300.000 hợp đồng, giao dịch các loại.
Trong năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 60.000 việc, thu phí với số tiền hơn 14 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 2 tỷ đồng. |
Ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, những năm qua, trên địa bàn tỉnh không phát sinh vụ việc tranh chấp, khởi kiện liên quan trực tiếp đến các tổ chức hành nghề công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tham dự một số vụ việc với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Từ đó, chưa phát sinh việc bồi thường trong hoạt động tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Nhằm ngăn chặn các đối tượng lừa đảo và hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động công chứng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như lợi ích các tổ chức hành nghề công chứng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với sở, ngành liên quan xây dụng và triển khai áp dụng Phần mềm quản lý công chứng, chứng thực (cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực) trên địa bàn tỉnh. Để tạo khung pháp lý rõ ràng, thống nhất cho việc quản lý, phối hợp, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu, ngày 13/4/2020, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, phối hợp, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Cà Mau kèm theo Quyết định số 06/2020/QĐ- UBND.
"Hàng năm, Sở Tư pháp thực hiện thanh, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh theo quy định. Qua đó, đã kịp thời phát hiện chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với các tổ chức hành nghề công chứng có sai sót, vi phạm trong quá trình hoạt động. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh xảy ra không nhiều và được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm", ông Trần Hoàng Lộc cho biết thêm.
Để hoạt động công chứng trong thời kỳ hội nhập như hiện nay đạt hiệu quả tốt hơn, theo ông Trần Hoàng Lộc, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước thông qua việc kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn. Đối với các tổ chức hành nghề công chứng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm tự quản, tự chịu trách nhiệm. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn công chứng viên. Tổ chức tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, trên thực tế triển khai hoạt động công chứng tại Cà Mau cũng đã ghi nhận nhiều bất cập. Hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Trên cơ sở thực tế, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương cần có những điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Như, Luật Công chứng nên sửa đổi quy định tại khoản 3, Điều 61, Luật Công chứng theo hướng công chứng viên chịu trách nhiệm chứng thực chữ ký của người dịch và nội dung bản dịch thì người dịch phải chịu trách nhiệm. Luật Công chứng quy định “bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng” là chưa phù hợp và chưa bao quát so với quy định của Bộ luật Dân sự vì huỷ bỏ hợp đồng chỉ là một trong những trường hợp thuộc chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015. Mặt khác, Bộ luật Dân sự cũng quy định “sửa đổi hợp đồng” mà không quy định “bổ sung hợp đồng”. Do đó, nhằm đảm bảo sự thống nhất với Bộ luật Dân sự, Điều 51, Luật Công chứng cần được sửa đổi như sau: “Công chứng việc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng”...
Văn Đum