(CMO) Đây là nhận định đáng chú ý trong phần mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ Chín HĐND tỉnh Cà Mau sáng 11/7 với nhóm vấn đề về lao động, việc làm.
Bà Trương Linh Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đăng đàn trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn các câu hỏi liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, bà Trương Linh Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thông tin: “Khi bắt đầu đề án xuất khẩu lao động, có nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: việc tiếp cận nguồn vốn của đối tượng có nhu cầu, quá trình học tiếng nước ngoài, nhận thức của người lao động còn hạn chế. Mặt khác, quá trình ký kết, kết nối với các thị trường lao động nước ngoài còn chưa thật sự chặt chẽ, do đó có độ vênh nhất định giữa đòi hỏi của nhà tuyển dụng và sự đáp ứng người lao động”.
Về giải quyết việc làm lao động trong tỉnh, bà Trương Linh Phượng cho biết, đây là vấn đề nóng bỏng, là trăn trở của ngành. HĐND đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này với mục tiêu giải quyết 38.000 lao động/năm, tổ chức khoảng 5 phiên giao dịch việc làm/năm và mở phiên giao dịch về tới các huyện. Tuy nhiên, người lao động chưa quan tâm các cơ hội này, rất ít người đăng ký được việc làm. Tình trạng doanh nghiệp chưa tiếp nhận người lao động thông qua các phiên giao dịch do một số nguyên nhân: các giao dịch viên có trình độ hạn chế; doanh nghiệp chủ yếu đến để quảng bá thương hiệu, nhưng thực chất nhu cầu tuyển lao động thì ít; kinh nghiệm và năng lực của người lao động còn hạn chế khi thực hiện phỏng vấn tuyển việc làm.
Cà Mau hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp, tuy nhiên nhu cầu tuyển lao động mới thì hầu như rất ít. Có một số doanh nghiệp quy mô hơn 2.000 lao động nhưng đang trong giai đoạn hoạt động rất khó khăn, hoạt động cầm chừng, hiện chỉ còn hơn 200 lao động. Việc muốn người lao động không ly nông, ly hương và tìm kiếm cơ hội trên quê hương của mình thật sự rất khó, bởi phải giải quyết sinh kế, cơ hội phát triển cuộc sống của bà con. Các giải pháp về việc làm, lao động hiện nay, theo bà Trương Linh Phượng chỉ là “giải pháp tình thế”. Về lâu dài, chỉ khi nào nền kinh tế của địa phương thật sự phát triển, cơ hội việc làm, phát triển nhiều hơn thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề.
Theo bà Trương Linh Phượng, Giám đố Sở LĐ-TB&XH thì: “Nền kinh tế tỉnh nhà vẫn chưa tạo nhiều cơ hội việc làm và khả năng phát triển cho người lao động”.
Bà Trương Linh Phượng cũng cho biết, đang sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy và hệ thống các cơ sở, trung tâm, trường đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh căn cứ vào thực tế của địa phương, nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, rõ ràng là công tác đào tạo nghề là chưa đảm bảo. Vấn đề khó khăn nhất là kinh phí của các chương trình đào tạo nghề của trung ương ngày càng giảm, cơ sở vật chất trang thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu.
Về con số hơn 24.000 lao động đã được giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm, bà Trương Linh Phượng cho rằng, phần mềm quản lý lao động của tỉnh Cà Mau hiện nay vẫn chưa cập nhật ở tuyến cơ sở. Do đó, các con số được tập hợp, thống kê theo báo cáo từ các địa phương về. Con số này chỉ phản ánh tương đối so với thực tế. Tình trạng thất nghiệp, nhất là sau khi tốt nghiệp đại học là tình trạng nhức nhối. Tuy nhiên, khi được đề cập tham gia đề án xuất khẩu lao động thì đối tượng này lại không mấy mặn mà.
Đại biểu Nguyễn Trường Lưu chất vấn: “Tại sao không phải là lao động phổ thông hoặc trình độ cao mà là lao động thời vụ tham gia đề án xuất khẩu lao động?”. Đại biểu Nguyễn Minh Đương nêu câu hỏi: “Nguồn vốn hỗ trợ cho người lao động tham gia đề án xuất khẩu lao động như thế nào? Đối với người lao động tham gia phỏng vấn nhiều lần mà không đạt thì tính toán ra sao?”. Đại biểu Nguyễn Đức Tiến đặt vấn đề: “Liệu rằng chỉ tiêu đề án xuất khẩu lao động là quá cao so với khả năng thực tế?”
Bà Trương Linh Phượng tiếp tục trao đổi: “Đề án xuất khẩu lao động của Cà Mau hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông, tuy nhiên phụ thuộc vào thời hạn lưu trú trên giấy tờ của mỗi lao động ở nước ngoài”. Với người lao động phỏng vấn không đạt thì chưa có cơ chế hỗ trợ. Việc cho vay vốn cũng còn vướng rất nhiều, bởi có trường hợp vay tiền mà bỏ đề án, nhưng cho vay trễ thì người lao động lại khó khăn về kinh phí tham gia đào tạo. Về việc tham mưu hỗ trợ vốn cho người tham gia đề án, bà Trương Linh Phượng nhận khuyết điểm vì tham mưu chưa đúng với các quy định cho UBND tỉnh. Bà Trương Linh Phượng nhấn mạnh: “Tâm lý e ngại, sợ đi xa… đang là trở ngại quá lớn với người lao động tham gia đề án”.
Quốc Rin