ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 17:29:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nếp nhà nơi xứ Mũi

Báo Cà Mau (CMO) Sông nước Cà Mau gắn liền với những nếp nhà sàn ven sông, để lại ấn tượng đặc biệt với khách phương xa khi đặt chân đến nơi này. Có dịp ngồi trên chiếc vỏ máy chạy xuôi theo các con kênh, rạch vùng ngập mặn Mũi Cà Mau, nhất là các điểm ngã ba sông, các con kênh hướng ra cửa biển, ngắm khung cảnh xóm dân cư nhà sàn ven sông, với những sàn nước, bến cầu, xuồng ghe xuôi ngược giao thương mua bán, sẽ phần nào cảm nhận được sự thoải mái, phóng khoáng, lối sống chan hoà cùng thiên nhiên như chính đặc trưng, tính cách đất và người Cà Mau.

Trở lại Rạch Tàu

Gần đây, tôi có dịp trở lại xóm biển Rạch Tàu (ấp Rạch Tàu, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), nơi có khoảng 30% cư dân nơi khác về đây cắm đất, dựng nhà sinh sống, hình thành nên xóm dân cư, nhà sàn ven sông đậm chất miền sông nước Cà Mau.

Trời xế trưa, từ trên cầu Rạch Tàu nhìn xuống, nhiều ghe lưới, ghe đáy hàng cạn xuôi về cập bến dọc theo xóm nhà sàn, mỗi người một việc: gỡ cá, kéo lưới, vá lưới, khuân chuyển cá, tôm sang cho bạn hàng, tạo sinh khí vui tươi, nhộn nhịp nơi xóm biển. Trong căn nhà sàn lót ván lên nước đen mun của ông Quách Văn Phong (Hai Phong), 76 tuổi, ở ấp Rạch Tàu, tôi đoán được bộ sàn này có thể lớn hơn tuổi mình. Ðược biết, từ Trà Kha, tỉnh Bạc Liêu, ông Phong cũng như trên 100 hộ dân khác ở xóm Rạch Tàu này từ khắp nơi về đây lập nghiệp, rồi định cư đến nay.

Theo lời ông Phong, sau giải phóng, cả gia đình ông nương náu trên chiếc ghe nhỏ, mưu sinh bằng nghề đẩy te, thả rập cua, giăng câu cá ngát. Khi lui tới nơi đây, thấy dễ sống nên kéo cao su, dựng lều gần cửa biển Vàm Xoáy ở tạm.

“Nhớ có hôm đang ăn cơm ngay thời điểm trời mưa, trái đước từ trên cao rụng cắm thẳng xuống, làm lủng tấm cao su, nước tuôn xối xả vào mâm cơm, kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi. Ngày xưa, nơi đây dễ sống lắm, sáng sớm ra biển đánh bắt, xế chiều thả ghe về, tôm cá nhiều vô số kể; lựa tôm, cá lớn bán, còn lại ăn cả ngày không hết. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình tứ xứ tập trung về đây ngày một đông. Ðể an toàn, chúng tôi di chuyển vô trong, cách cửa biển tầm 3 km để tránh sóng, gió mùa mưa bão, rồi cất nhà định cư hẳn nơi đây, hình thành xóm nhà sàn ở ven sông Rạch Tàu đến tận bây giờ”, ông Hai Phong kể lại.

Nhìn thấy giường ngủ của ông Hai Phong đặt ngoài hành lang nhà, khiến tôi tò mò hỏi thăm. Ông Hai Phong tâm tình: "76 tuổi đời, gần 50 năm nay quen sống trong căn nhà sàn không cửa, nhìn ra trời đoán giờ, nhìn trăng sao đoán ngày tháng, nghe hơi nước dưới sàn nhà biết con nước lớn, ròng. Hóng hơi gió biển quen rồi, giờ mà ngủ trong nhà ngột ngạt không chịu được, nên từ khi làm cửa nhà đến nay, tôi vẫn ngủ bên ngoài cho thoải mái. Con cháu sợ tôi lớn tuổi, gió sương đêm khuya ảnh hưởng sức khoẻ, nhiều lần năn nỉ vô nhà, mà tôi đâu có chịu…!".

Ông Phong kể thêm, khoảng 20 năm trước, bà con nơi đây toàn cất nhà sàn không cửa, thòng chân xuống là đụng nước, bước thêm bước nữa là xuống xuồng, ghe; mưu sinh năm này qua năm nọ đâu có nghe ai mất mát thứ gì. Chim trời cá nước ngoài biển đầy, ai bắt được nấy ăn; xóm làng nương tựa nhau sống, không tham lam, tính toán hay hơn thua.

Hơn chục năm trở lại đây, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, kéo theo nhiều vấn đề phát sinh về tệ nạn, để bảo vệ an toàn tài sản, những căn nhà sàn không cửa nay hiếm thấy. Ðể thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng nơi này, nếp nhà sàn vẫn được giữ, nhưng xây dựng kiên cố, hiện đại hơn, người dân nơi khác đến, thường gọi “nhà cao cẳng”.

Ông Trương Tùng Lâm, Bí thư Chi bộ ấp Rạch Tàu, cho biết, ấp Rạch Tàu hiện có 349 hộ dân sinh sống, trong đó có khoảng 30% là cư dân nơi khác về đây lập nghiệp rồi bám trụ lại. Trước đây, đa phần bà con dựng nhà tạm gần cửa biển Vàm Xoáy để tiện ra biển đánh bắt mưu sinh, sau này địa phương có bố trí khu dân cư, di dời bộ phận bà con về đây sinh sống để tránh mưa bão. Từ đó, hình thành xóm nhà sàn ven sông như hôm nay.

"Ở xóm Rạch Tàu này, gần như 90% số hộ dân vẫn sống, sinh hoạt trong ngôi nhà sàn, có điều hiện nay hầu hết nhà đều làm cửa. Và tuỳ điều kiện kinh tế, mỗi hộ gia đình có thể đầu tư xây dựng nhà sàn theo phong cách mới, hiện đại, vẫn có hộ giữ lại nếp nhà xưa bằng cây gỗ địa phương… Với người dân nơi đây, họ vẫn thích sống, sinh hoạt gắn liền với sông nước, bởi nó mang lại cảm giác thoải, tự do, phóng khoáng, xua tan cảm giác mệt mỏi, sau ngày lao động vất vả”, ông Lâm chia sẻ thêm.

Nhà sàn phong cách mới

Theo lời giới thiệu của người dân, ấp Cồn Mũi (xã Ðất Mũi) hiện là địa phương có nhiều ngôi nhà sàn được xây dựng theo phong cách hiện đại, kiên cố, chúng tôi đến đây, ngay thời điểm trời trở gió chướng, báo hiệu xuân về, Tết đến.

Ở ấp Cồn Mũi hiện có trên 50 căn nhà cao cẳng kiên cố, có giá trị từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng; các hộ còn lại tuỳ vào điều kiện kinh tế gia đình thiết kế mẫu nhà sàn vừa phù hợp túi tiền vừa thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

Những ngôi nhà cao cẳng, xây theo phong cách hiện đại, kiên cố, xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng ngập mặn Mũi Cà Mau.

Theo kinh nghiệm dân gian, khi gió chướng về cũng là mùa nước lên cao có khi lé đé đến sàn nhà nên bà con tranh thủ be bờ, đắp đập trước đó. Và để thích nghi, gần đây bà con cất nhà sàn cao cẳng, trụ bê-tông thay trụ cây đước, đổ sàn bê-tông thay sàn ván, nhà lá thay nhà mái ngói, vách tường sơn màu theo sở thích của gia chủ… Tất cả mang đến vẻ tươi mới, sáng đẹp hơn cho vùng đất này.

Ông Quách Văn Ngãi (Tư Ngãi), Bí thư Chi bộ ấp Cồn Mũi, cho biết, so với 10 năm trước, Cồn Mũi nay thay đổi rất nhiều, đời sống người dân nâng lên đáng kể. Ðặc trưng nhà sàn ven sông cũng thay đổi, tuy nhiên, đó là sự phát triển trên nền văn hoá cũ. Ðặc trưng nhà sàn ven sông vẫn còn, nhưng vì điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, tính đường dài bà con đầu tư xây dựng nhà kiên cố bằng bê-tông, có cửa, cao ráo, chắc chắn hơn. Phấn khởi hơn, khi bà con còn linh hoạt đưa những nét đặc trưng văn hoá của địa phương gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hiện nay có cả chục hộ dân đã và đang đầu tư làm du lịch cộng đồng tại đây, với hình thức cho du khách trải nghiệm lội rừng đước bắt ốc len, vọp; đêm về tự tay bơi xuồng, đầu đội đèn soi ba khía; trực tiếp lựa chọn tôm, cua thiên nhiên khi chủ nhà xổ vuông rồi chế biến, thưởng thức tại chỗ, nhâm nhi cùng vài ly rượu trái giác cho ấm lòng; đêm đến ngủ ở nhà sàn không cửa để cảm nhận không khí trong lành, bình yên ở vùng đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc.

Ông Tư Ngãi cho biết: "Tôi cũng từng sống ở thành phố, nhưng có dịp cùng người thân về đây trải nghiệm, thấy yên bình, lý tưởng quá nên quyết định bán nhà đất ở chợ về đây mua vuông làm kinh tế từ năm 1998. Bản thân thấy thích những nét đặc trưng văn hoá vùng sông nước Cà Mau, nên tôi suy nghĩ điều này cũng sẽ hấp dẫn khách phương xa. Từ đó, tôi quyết đầu tư làm du lịch cộng đồng để du khách được trải nghiệm, hiểu thêm về đặc trưng văn hoá vùng sông nước Cà Mau, cũng là dịp để quảng bá và tự hào truyền thống lịch sử văn hoá quê hương mình. Với tôi, giờ đây không nơi nào bằng nhà mình, tin rằng đây cũng là chốn lý tưởng, ước mơ của rất nhiều người".

Ðúng với suy nghĩ, mong muốn của ông Tư Ngãi và bà con, những năm gần đây khách du lịch về đây trải nghiệm rất nhiều, xóm làng phát triển và vui hẳn lên. Ông Tư Ngãi thiết kế phòng nghỉ qua đêm cho du khách là căn nhà sàn xinh xắn, pha chút hiện đại; kể cả những gian nhà sàn không cửa đúng chất xưa để khách trải nghiệm được cả đặc trưng văn hoá xưa và nay.

Một ngày - đêm trải nghiệm tại Ðất Mũi, có thể cảm nhận, theo thời gian và nhịp sống hiện đại, nét đặc trưng sinh hoạt văn hoá nơi đây có phần thay đổi theo hướng hiện đại và thích nghi với điều kiện thực tế, nhưng người dân vẫn mộc mạc, chân chất, hiền hoà, vẫn quen sống trong những căn nhà sàn nơi triền sông, trong sinh hoạt vẫn gắn liền với sàn nước, bến cầu... Nét đặc trưng văn hoá vốn dĩ ăn sâu vào tiềm thức biết bao trái tim người dân Ðất Mũi./.

 

Loan Phương

 

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.