(CMO) Thới Bình, mỗi khi nhắc đến chắc hẳn ai cũng nhớ về câu chuyện huyền thoại Triệu Vĩ - Mỹ Lan bên dòng sông Trèm Trẹm. Nhưng đâu chỉ có thế, Thới Bình còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và còn là nơi lưu giữ nhiều di tích, cụm di tích và các nghi lễ truyền thống của dân tộc.
Đền thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực là 1 trong 22 đền thờ Bác Hồ ở Cà Mau được Nhân dân xây dựng ngay sau ngày Bác qua đời năm 1969. Đền được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1996. |
Đền thờ Vua Hùng có niên kỷ trên 170 năm và được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2011. Hiện cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương nhưng chỉ có 5 đền thờ Vua Hùng mang tính quy mô về tổ chức lễ hội tại các tỉnh, thành như Phú Thọ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Cà Mau. |
Đình thần Tân Lộc đã tồn tại 168 năm và trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng mang đậm phong tục tập quán truyền thống của người dân Tân Lộc. Đình được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2017. |
Lễ Kỳ yên ở Thới Bình bắt nguồn từ yếu tố sùng bái, thành kính mà nên. Chính vì thế mới có câu chuyện cúng bái và dâng lễ vật từ bàn tay người dân làm ra lên lễ tạ thần. |
Khác với nhiều địa phương khác ở Cà Mau, địa danh Thới Bình đã có từ xa xưa, vào những năm đầu của thế kỷ 19. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến thời Pháp thuộc, địa danh Thới Bình thôn vẫn được giữ gìn và lưu truyền.
Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao huyện Thới Bình Nguyễn Nhật Bằng thông tin: “Thời phong kiến, làng Thới Bình đã được lập. Đến năm 1852 vua Tự Đức ban hàng loạt Sắc phong Đình thần ở thôn Thới Bình. Sắc thần ngoài mang giá trị văn hoá tín ngưỡng dân gian còn mang giá trị về chính trị, đó là nhằm xác lập địa giới hành chính, chủ quyền lãnh thổ.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa địa danh Thới Bình được giữ và chia thành 4 thôn: Kiến An, Cửu An, Tân Bình, Tân Thới. Chính vì thế, hàng loạt những công trình kiến trúc văn hoá vật thể và phi vật thể được truyền đời, tạo nên nét đẹp văn hoá hàng trăm năm ở vùng đất này.
Hiện Thới Bình có hơn 30 di tích, công trình di tích được tôn tạo, giữ gìn. Trong đó, có 2 di tích lịch sử quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Các hoạt động văn hoá phi vật thể và quần thể hơn 20 di tích đang được bảo tồn, trùng tu tôn tạo, giữ gìn, đảm bảo theo Luật Di sản./.
Phong Phú thực hiện