Thời gian qua, tình hình tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn phức tạp, nguồn ma tuý chuyển vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh và An Giang. Hiện nay, các đối tượng ít sử dụng phương thức liên lạc điện thoại truyền thống, thay vào đó là sử dụng các phần mềm có chức năng nhắn tin, gọi thoại, gọi video theo nhóm có độ bảo mật cao, mã hoá nội dung trò chuyện (Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram...). Bên cạnh đó, một số đối tượng thay đổi phương thức giao dịch bằng các dịch vụ vận chuyển công nghệ (lợi dụng dịch vụ grab taxi, grab bike...), gây khó khăn cho công tác đấu tranh của cơ quan chức năng.
- Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống ma tuý cho học sinh
- Mua bán ma tuý, nhận lãnh 20 năm tù
- Xử lý nghiêm thuốc lá lậu
- Chuyện nhỏ, hậu quả lớn
Ông Lý Việt Thống, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Bên cạnh công tác đấu tranh triệt phá; tuyên truyền và phổ biến pháp luật về phòng, chống ma tuý được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma tuý. Ðồng thời, cập nhật và tuyên truyền về tác hại của ma tuý, phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm ma tuý và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phong trào phòng, chống ma tuý; vận động Nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ, quản lý giáo dục người nghiện tại gia đình và cộng đồng dân cư”.
Kết quả, năm 2023 toàn tỉnh tổ chức 520 cuộc, phát hơn 15 ngàn tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma tuý tại các xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 70 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia; lắp 13 cụm pa nô, treo 220 băng rôn tuyên truyền phòng, chống ma tuý. Mặt khác, phát sóng 427 đề tài trên sóng truyền hình Cà Mau liên quan đến công tác tuyên truyền về phòng, chống ma tuý. Từ đó, góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm về ma tuý, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng đa dạng hoá và đổi mới công tác cai nghiện. Triển khai nhiều mô hình cai nghiện hiệu quả, có nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị, cai nghiện ma tuý. Hiện, Sở Y tế tăng cường điều trị thay thế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Học viên cai nghiện ma tuý được truyền nghề làm mi giả.
Lao động sản xuất là hoạt động không thể thiếu trong quá trình quản lý và điều trị cho người nghiện ma tuý.
Ðể công tác phòng, chống ma tuý hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh trật tự vào ban đêm, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Rà soát các tụ điểm mua, bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma tuý; chủ động mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm về ma tuý, góp phần hạn chế phát sinh tội phạm.
Ðồng thời, tập trung lực lượng đấu tranh, bắt, xử lý nghiêm các đối tượng mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý làm giảm nguồn “cung” từ bên ngoài vào. Kiểm soát, quản lý chặt các điểm, tụ điểm đối tượng bán lẻ ma tuý, người nghiện ma tuý làm giảm nguồn “cầu”; ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa.
Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, thống kê chính xác tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; cập nhật thông tin người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý lên phần mềm quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên nền tảng Dữ liệu quốc gia về dân cư. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống ma tuý ngay từ địa bàn cơ sở./.
Quách Nguyên