Trong bối cảnh thực phẩm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là vô cùng cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND tỉnh, Sở Y tế Cà Mau đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phối hợp với các ngành chức năng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, trực tiếp kiểm tra, giám sát các sản phẩm thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trong các dịp lễ hội, hội chợ, Tháng hành động, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và các sự kiện lớn của tỉnh.
Đoàn Kiểm tra liên ngành về ATVSTP tỉnh kiểm tra thực phẩm ở cơ sở kinh doanh ăn uống ở thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời.
Ông Hoàng Lý Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong những đợt kiểm tra, giám sát vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài mà không có nhãn phụ tiếng Việt, hoặc không có hồ sơ tự công bố sản phẩm. Một số sản phẩm thậm chí có nhãn không rõ ràng, thiếu thông tin hoặc thông tin đầy đủ nhưng không đáng tin cậy. Việc phòng chống tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng do đó trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.
Tăng cường tuyên truyền và giáo dục
Các hành vi vi phạm trong các đợt hanh tra vừa qua chủ yếu liên quan đến việc bảo quản sản phẩm thực phẩm. Nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về bảo quản sản phẩm như kê cao, tránh ánh nắng trực tiếp, bảo quản theo nhiệt độ của nhà sản xuất. Tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới” đã được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong công tác an ninh, ATTP.
Ông Hoàng Lý Tưởng nhận định: “Đã qua, các cơ quan thông tấn báo chí địa phương đã tích cực tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP, biểu dương, quảng bá các sản phẩm và mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hệ thống loa truyền thanh tuyến xã cũng được huy động để tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP và cảnh báo đến người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân vi phạm”.
Theo ông Hoàng Lý Tưởng, hiện nay, việc mua mẫu thực phẩm để kiểm soát chất lượng gặp khó khăn do yêu cầu phải có hoá đơn. Điều này khiến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm chỉ thực hiện được tại một số doanh nghiệp, công ty lớn, trong khi các cơ sở nhỏ và người mua bán lẻ không thể kiểm soát hiệu quả”.
Test nhanh về các chất phụ gia trong thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh tại Phường 5, TP Cà Mau.
Thời gian tới, Chi cục ATVSTP sẽ tham mưu Sở Y tế Cà Mau để tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong công tác quản lý ATTP. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với thực tế tình hình ATTP tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý Nhà nước về ATTP trên toàn tỉnh.
Kiểm tra và hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm
Việc kiểm tra, giám sát, hậu kiểm sẽ được đẩy mạnh, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm, thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định tại Chương II và Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018; nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện quy định phải ghi nhãn tại Chương VII Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm và những cơ sở đã cam kết nhưng không thực hiện nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đoàn Kiểm tra liên ngành về ATVSTP tỉnh kiểm tra quầy bán bún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.
Ông Hoàng Lý Tưởng quyết tâm: “Việc phòng chống thực phẩm giả, kém chất lượng là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân và xây dựng niềm tin vào sản phẩm địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả nhất”.
Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Chỉ khi tất cả các bên cùng chung tay hành động, mới có thể đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và phát triển bền vững./.
Phúc Duy