Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp với ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất có một chương trình tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) trị giá 120.000 tỷ đồng cho vay cả người xây dựng và người mua nhà đồng với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để đi tiếp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. |
Không hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, cần đa dạng kênh vốn
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 17/2, tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần đánh giá một cách khách quan, trung thực những vướng mắc của thị trường BĐS để từ đó có giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường này an toàn, lành mạnh, bền vững.
Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế bởi có mối liên quan với nhiều ngành sản xuất. Do đó, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Dù thị trường BĐS có những giai đoạn tăng trưởng cao, nhưng hiện nay thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có khó khăn, về nguồn vốn mà một phần trong đó đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Nguồn vốn cho BĐS được huy động từ nhiều kênh khác nhau, như FDI, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, vốn và tài sản của chính doanh nghiệp, vốn huy động từ người mua nhà tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể huy động vốn đầu tư dự án.
Đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng cho lĩnh vực BĐS luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Cụ thể, trong năm 2022 tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17% nhưng với BĐS tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng. Trong đó, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, chủ yếu là phân khúc giá trị cao còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh BĐS.
Với các con số này, nhận định chính sách tín dụng siết chặt, thắt chặt trong năm qua là chưa thoả đáng, cần đánh giá trung thực, khách quan để tháo gỡ.
Có thể thấy, trong năm 2022, kênh trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung dài hạn để hỗ trợ tích cực để giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, trong khi đó kênh vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn, nên cần có các giải pháp khôi phục trở lại.
"Theo phản ánh từ các ngân hàng thương mại, các dự án BĐS 70% vướng mắc về mặt pháp lý. Khi chưa có đủ cơ sở pháp lý và xác định được giá đất, bản thân các dự án phải đảm bảo tính khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp, trong khi đó không ít doanh nghiệp chưa chứng minh được nên bản thân ngân hàng khó có thể cho vay. Vì vậy, khi vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ, sẽ giúp cho khơi thông dòng vốn tín dụng của ngân hàng", Thống đốc nói.
Tại hội nghị, Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực. Tích cực tiết giảm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn.
"Để hướng tới thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững thì phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi", Thống đốc NHNN bày tỏ quan điểm.
Về định hướng tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, tăng trưởng sẽ ở mức 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. Lãnh đạo NHNN lưu ý, không có "room" riêng kiểm soát riêng tín dụng về BĐS.
Với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN nhận thấy có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này cũng là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS, nhưng nguồn vốn từ đâu phải cân nhắc. Cụ thể, với nguồn vốn từ tái cấp vốn, cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, ở thời điểm này cho một dài hạn trong 10, 15 năm tới làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ, vì vậy cần tính toán nguồn vốn trên cơ sở chính sách tiền tệ đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng… và các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
Thống đốc cho biết, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng này đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, triển khai chương trình này.
"Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia gói này thì sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để đi tiếp", Thống đốc nói.
Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các TCTD cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. "Về cơ cấu thời hạn trả nợ, Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử, tháo gỡ riêng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo TCTD tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này".
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng. |
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, linh hoạt với thị trường
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, quan điểm của Vietcombank với lĩnh vực BĐS có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào BĐS phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, BĐS để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.
Tại Vietcombank, lĩnh vực BĐS được chia thành 4 phân khúc và ngân hàng đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng, cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực BĐS.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tại Vietcombank tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Với số liệu về tăng trưởng tín dụng BĐS trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
Các phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất luôn được Vietcombank ưu tiên cấp tín dụng nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và toàn quốc. Trong năm 2022, dư nợ BĐS thuộc phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với 31/12/2021.
Về định hướng tín dụng, Vietcombank định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Singapore vừa qua, Vietcombank cũng đã tham dự cuộc gặp mặt xúc tiến đầu tư và nhận thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng trong thời gian tới.
Vietcombank cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, các liên doanh trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với mức lãi suất ưu đãi.
Đối với lĩnh vực BĐS khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và BĐS văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, trong thời gian qua, để hạn chế các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời; áp dụng lãi suất ưu đãi đối với với các khoản vay mới, hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hành và cho vay mới để duy trì, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khách hàng trong các phân khúc này vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển.
Về định hướng tín dụng đối với tiểu ngành BĐS này, Vietcombank định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt) và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.
Đối với BĐS đất ở, nhà ở, tại Vietcombank hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch... Ngân hàng định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc BĐS đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân, thực tế, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS tại ngân hàng luôn duy trì ở mức dưới 1%...
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị, cần giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường BĐS, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cấp phép cho các dự án BĐS, bảo đảm tính đồng bộ trong các văn bản, quy định nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động của thị trường BĐS nói chung và hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực BĐS nói riêng...
Đối với các doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Thanh Tùng khuyến nghị nên tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Về phía các ngân hàng, theo ông Tùng, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng, trong đó có Vietcombank luôn tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho các ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn ...
Đối với lĩnh vực BĐS, để giải quyết nhu cầu vay vốn để mua nhà để ở của người dân, Vietcombank cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 ngân hàng thương mại Nhà nước khác triển khai gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân./.
Theo baochinhphu.vn