(CMO) Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ven sông trên địa bàn xã Việt Thắng (huyện Phú Tân) xảy ra ngày càng trầm trọng. Những đoạn lộ sụp lún rồi chia thành nhiều khúc, dù đã được làm bờ kè gia cố nhưng đất vẫn bị sạt lở, ăn sâu. Sạt lở luôn là nỗi trăn trở thường trực của người dân và chính quyền địa phương.
Do địa hình sông ngòi nhiều, chịu sức ép của các tuyến sông lớn, như sông Bảy Háp, sông Mang Rổ... xã Việt Thắng được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng sạt lở của huyện Phú Tân. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Việt Thắng, từ đầu năm đến nay, do thời tiết phức tạp, trên địa bàn xã xảy ra các cơn gió lốc, nước dâng, khiến sạt lở trên địa bàn xã khá nghiêm trọng.
Cụ thể, sạt lở đã làm hư hỏng tuyến lộ Tân Thành chiều dài 50 m, tuyến lộ Ấp 6 về trung tâm xã chiều dài khoảng 40 m, tuyến lộ Tiểu vùng X (ấp Má Tám) có dấu hiệu sạt lở với chiều dài 70 m. Nghiêm trọng nhất là sạt lở 6 tuyến lộ bê-tông ở ấp Bào Chấu với chiều dài khoảng 400 m; tại tuyến sông Mang Rổ với áp lực với dòng chảy mạnh cũng đã ghi nhận sạt lở chiều dài 195 m.
Một đoạn lộ trên địa bàn ấp So Ðũa đang có nguy cơ đổ xuống sông vì phần đất nền đã bị sạt lở. |
Ði trên đoạn lộ chỉ còn lại hơn một nửa trên bờ, phần còn lại đã mất đi đất nền và có nguy cơ sụp đổ xuống sông, ông Nguyễn Thanh Ðỉnh, người dân tại ấp So Ðũa, nói: “Ðoạn này mới bị sạt lở gần đây thôi, nhiều đoạn còn nguy hiểm hơn nhiều. Bước vào khoảng từ tháng 9 âm lịch trở lên thì tình trạng sạt lở xem như vào mùa. Riêng ấp So Ðũa có nhiều tuyến sạt lở đã phá hỏng cả bờ kè, có đoạn lộ đứng trước nguy cơ sụp hẳn xuống sông, rất nguy hiểm”.
Nhà ở phía đối diện ngã ba sông, bà Võ Thị Hoàng Anh (ấp So Ðũa) chứng kiến không biết bao nhiêu con nước lớn, ròng. Dòng nước xoáy, chảy xiết lấy đi từng tấc đất mé bờ, trở thành nỗi lo của bà và người dân sinh sống xung quanh.
Bà Anh kể: “Trước nhà có tuyến lộ ngang qua, tôi tận dụng bờ đất còn lại trồng rau màu. Mấy bữa trước, trong lúc loay hoay nhổ cỏ thì nguyên khúc bờ đất này sạt xuống sông hết, may mà tôi chạy kịp. Mé sông này giờ sâu lắm, gần mé bờ mà cũng sâu cỡ 3 m rồi. Khúc này ngay ngã ba sông, nước chảy mạnh, nước lên cao rồi xuống thấp nên mấy năm nay sạt lở mé bờ xảy ra hoài”.
Ðể khắc phục hậu quả của thiên tai, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chung tay duy tu, sửa chữa, làm bờ kè chống sạt lở tại các tuyến lộ. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã còn tổ chức các đội xung kích ở các ấp ven sông Bảy Háp, sông Mang Rổ, khu vực chợ Việt Thắng, các khu dân cư để sẵn sàng ứng phó, di dời dân khi có thiên tai xảy ra.
Anh Huỳnh Văn Cẩm (ấp So Ðũa) cho hay: “Hàng năm tôi đều xuất từ 2-3 triệu đồng để làm và sửa lại bờ kè, chủ yếu là bằng cây và cao su, chứ mặt tiền nhà dài quá, làm kè kiên cố sẽ rất tốn kém. Năm nay tôi mới vừa gia cố lại bờ kè bằng cách xịa cây, bao ví rồi thu gom nhánh chà bỏ vô, phía trong gần bờ tôi trồng thêm cây mắm. Hy vọng bờ kè theo cách này sẽ có hiệu quả hơn so với mấy lần trước”.
Ðược bà con đồng thuận, hưởng ứng tích cực, nhiều cách làm hay trở thành mô hình điểm về kè chống sạt lở tại địa phương, song thực tế, tại các tuyến sông sâu, việc làm bờ kè không phải là chuyện dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Lấn, người dân sinh sống trên tuyến lộ Tiểu vùng X, trần tình: “Mé sông trước nhà tôi giờ sâu lắm, cỡ 4 m. Bờ sông sâu vậy thì làm bờ kè vừa khó vừa tốn nhiều tiền, đâu phải ai cũng có điều kiện làm”.
Ông Huỳnh Phương Nhanh, Chủ tịch UBND xã Việt Thắng, trăn trở: “Mấy năm nay tình trạng sạt lở tại địa phương ngày càng trầm trọng hơn, liên tục các vụ sạt lở xảy ra đã làm nhiều tuyến đường hư hỏng nặng, bờ đất bị ăn sâu. Trong khi đó, kinh phí để địa phương khắc phục sạt lở hàng năm không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền để người dân cùng tham gia làm bờ kè. Song, bờ kè được làm thủ công, chủ yếu bằng cây, cao su và bao nên chỉ một thời gian là hư hỏng và tiếp tục sạt lở”./.
An Kỳ