ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-4-25 13:02:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngày Giỗ tổ sân khấu nghe kể chuyện tổ nghiệp

Báo Cà Mau (CMO) Người nghệ sĩ chân chính từ lâu luôn xem nghề hát là cái đạo và sân khấu là thánh đường thiêng liêng. Dưới ánh đèn đầy hào quang đó, người ta thường hay nhắc nhau về ông Tổ hay Tổ nghiệp với tất cả lòng thành kính.

Những thế hệ nối tiếp nhau, việc thờ Tổ đã trở thành nét đẹp văn hoá của giới sân khấu nói chung. Trong không khí trang nghiêm ngày giỗ Tổ sân khấu 12/8 âm lịch, NSƯT Minh Hoàng, nguyên Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, đã kể lại những mẩu chuyện ngắn, gói ghém một số điều kiêng kỵ và bài học ý nghĩa của người nghệ sĩ đối với đạo hát.

Bàn thờ tổ thiêng liêng và những điều kiêng kỵ

Những bài học về đạo đức nghề nghiệp luôn được các nghệ sĩ lão thành: NSƯT Huỳnh Hảnh, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà, Nghệ sĩ Ánh Xuân ghi nhớ suốt mấy mươi năm qua.
NSƯT Minh Hoàng thành kính bên trang thờ Tổ.

Nhẹ thắp nén hương với lòng thành kính, NSƯT Minh Hoàng cho biết, những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ông bắt đầu đi hát thì ở Sài Gòn, nơi mệnh danh là kinh đô của cải lương, văn hoá thờ Tổ đã tồn tại từ rất lâu trước đó. Bàn thờ Tổ được xem như chốn thiêng liêng của bất kỳ ai theo nghiệp dĩ và tại các đoàn hát, trong mỗi đêm diễn phía sau sân khấu luôn nghi ngút khói hương.

Ngày đó mỗi khi đoàn hát dời bến, đoàn nhỏ di chuyển bằng một chiếc chẹt hoặc ghe lớn, bàn thờ Tổ mang theo phải đặt ở chỗ trịnh trọng nhất, nếu đoàn lớn có xe riêng hoặc thuê xe hàng thì lúc nào nơi thiêng liêng này cũng được đặt trên mui phía trước đầu xe. Trang thờ có tấm màn vải đỏ khép lại, chỉ tới giờ cúng mới vén lên. Trên thờ Tổ nghiệp cải lương, phía dưới thờ một bên ông Hổ, một bên ông Địa. Ông Hổ có ý nghĩa thể hiện sự mạnh dạn, thần sắc sân khấu và ông Địa phù hộ nghệ sĩ ra sân khấu có duyên, được khán giả yêu thích.

Nghệ sĩ ngày xưa rất chuẩn mực đối với nghề nghiệp, nếu 8 giờ tối hát thì 5 giờ chiều nhiều người đã bắt đầu có mặt để hoá trang cho nhân vật của mình, việc này đôi lúc được chăm chút tỉ mỉ hàng tiếng đồng hồ. Gần tới giờ hát, người nghệ sĩ càng được khen chừng nào càng vui mừng chừng ấy và thường rất sợ bị chê làm mặt tuồng xấu, vì họ cho rằng nó sẽ trở thành cái huông, không may mắn. Trước khi ra sân khấu, đào kép thường đốt 3 nén hương vái hoặc lạy Tổ phù hộ cho có duyên dáng, thần sắc sân khấu, không bị quên tuồng, ca hay, được khán giả khen ngợi.

Việc lấy Tổ ra thề thốt là điều kiêng kỵ tuyệt đối. Bởi theo kinh nghiệm chung, sau những câu thề này nghệ sĩ sẽ bắt đầu chết vai, ra sân khấu vô duyên bị khán giả đuổi là chuyện thường. Trái cây dâng cúng trên bàn thờ Tổ thường tránh trái thị và trái lựu, bởi thị có mùi thơm đặc biệt sẽ làm ông Tổ thích thú mà quên đi việc phù hộ người nghệ sĩ, lựu có nhiều hạt biểu trưng cho sự rời rạc, không đoàn kết, nghệ sĩ khó có thể quăng bắt ăn rơ trọn vẹn một vở diễn. Đối với nghệ sĩ nữ, tới ngày nguyệt san đi ngang bàn thờ Tổ phải khom xuống, không dám lại thắp hương, nếu có thì chỉ đứng một bên chứ không được đứng đối diện trang thờ.

Theo thông lệ, đến ngày 12/8 âm lịch hầu hết các đoàn hát lớn, nhỏ (và sau này có thêm các CLB đờn ca tài tử) đều tổ chức ngày giỗ Tổ trang trọng. Khi cải lương còn hoàng kim, nghệ sĩ hát suốt từ bến này sang bến khác. Thông thường đêm 11 sẽ vãng hát sớm hơn mọi ngày, anh em nghệ sĩ cử nhau lo chưng dọn bàn thờ, sau đó tắm rửa sạch sẽ mới được lên viếng Tổ. Đúng 12 giờ đêm bước qua ngày chánh là cột mốc đặc biệt, tất cả nghệ sĩ trong đoàn y phục trang nghiêm thắp hương thành kính lên Tổ và vui chơi sáng đêm. Đêm 11 thường cúng chay như xôi, chè, bắp, khoai, trái cây... nghệ sĩ không được ăn nhậu và ngày 12 trên bàn thờ Tổ mới được cúng mặn với lễ vật được dâng lên như heo quay, vịt, gà... Ngày này trở thành tết nghề của những người theo nghiệp ca cầm.

Hầu hết ông bà bầu của các đoàn hát lớn đều rất tôn trọng Tổ nghiệp, ngoài việc chỉnh chu trong đêm biểu diễn còn nghiêm túc trong việc giữ hình ảnh đối với đào kép của mình khi bước xuống sân khấu. Nghệ sĩ khi ra ngoài không được ăn mặc xuề xoà, ăn chơi buông thả mà phải giữ cái đẹp trong mắt khán giả, có như thế đoàn hát mới được tồn tại lâu dài...

"Nghệ sĩ phải có đạo đức, nếu không tổ lấy lại nghề"

Có rất nhiều truyền thuyết về ông Tổ sân khấu nhưng theo nghệ sĩ tài danh một thời này thì ngày giỗ Tổ là dịp để tất cả anh em nghệ sĩ cùng nhau nhắc nhớ về tiền nhân đã có công sáng lập loại hình nghệ thuật quý giá, họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết của thế hệ đi sau cùng động viên nhau phấn đấu làm nghề. Từ truyền thống cũng nhắc nhở rằng luôn có Tổ nghiệp một bên, linh thiêng lắm cho nên cố gắng nghề nghiệp phải đi cùng với tu dưỡng đạo đức.

"Người nghệ sĩ không có đạo đức thì hát sẽ không bao giờ bền", NSƯT Minh Hoàng nhấn mạnh.

Bởi chỉ có tình yêu thương của khán giả mới làm nên sự nổi tiếng và nuôi dưỡng hào quang của người nghệ sĩ. Nhưng có một bộ phận nghệ sĩ khi lên sân khấu thấy mình được khen, ái mộ thấy mình quan trọng lắm, từ đó dễ nảy sinh sự tự cao, một số đào kép chánh mắc bệnh "sao", lộng quyền với bầu gánh, đưa ra nhiều yêu sách, thậm chí tới đêm hát sẵn sàng bôi mặt bỏ về khiến đoàn buộc phải trả vé hoặc thường thị uy với đồng nghiệp (thường với các nghệ sĩ vai phụ), thậm chí muốn đuổi bất cứ ai đều được vì đào, kép chánh là những "cây tiền" của bầu gánh... Chính những việc không có đạo đức này dẫn đến hậu quả là Tổ lấy nghề.

NSƯT Minh Hoàng chứng minh cho điều này bằng những mẩu chuyện ngắn. Chuyện kể rằng, ngày ông còn nhỏ tại Sài Gòn có một chàng kép chánh sở hữu giọng ca rất hay nhưng vô cùng khó tính. Bạn diễn ra sân khấu hát trật là vào hậu trường sẽ bị mắng nhiếc rất nặng, vậy rồi dần dần mất duyên, ra hát thường xuyên bị quên tuồng. Một lần đang diễn, anh kép xuống câu vọng cổ có đoạn "... giương tay dói hái sao... trời" , thay vì "dói hái" thì bị lẹo lưỡi thành "d* hói", cố định thần vô lại câu vọng cổ này nhưng 3 lần vẫn vậy, vô duyên bị khán giả đuổi xuống. Sau đó chỉ ngoài 30 tuổi đã chết vai rồi dần phải bỏ nghề. Một anh kép chánh khác cũng thường xuyên ỷ mình tài giỏi, một hôm ra sân khấu ca bị rớt nhịp. Khi đi ngang bàn thờ Tổ, anh tức giận nạt lớn: "Ê, mới hôm qua tui cúng con gà rồi mà, còn muốn gì nữa mà cho ca rớt nhịp hoài vậy". Ai trong đoàn cũng ngao ngán vì đây là một sự thất lễ nặng với Tổ nghiệp, rồi một thời gian sau đó ca diễn giảm sút, khán giả không còn yêu mến anh ta nữa.

Lại nói đến chuyện có số ít đào kép chánh dùng tên tuổi của mình lộng quyền với bầu gánh. Có một cô đào chánh M.L khi ở giai đoạn đỉnh cao được rất nhiều đoàn săn đón, có xe hơi riêng, chính vì thế mà tỏ ra hống hách, đôi lúc khán giả vào cứng rạp nhưng vẫn chưa hát được vì sự chậm trễ của cô đào này. Nhiều lần khi làm mặt tuồng chuẩn bị kéo màn hát nhưng bầu gánh lỡ nói phật ý hay có chuyện không vui là cô sẵn sàng bôi mặt bỏ về buộc đoàn phải trả lại vé. Về sau khi chỉ mới hơn 40 tuổi phần vì mất đạo đức, phần hết duyên, hay quên tuồng đã không còn được đoàn hát săn đón, tài sản bán lần hồi rồi phải đi bán bắp luộc ở bến xe miền Đông để mưu sinh. Với những trường hợp này, trong giới bảo nhau rằng đó là do ông Tổ trác, Tổ lấy nghề lại.

"Thế mới thấy đạo đức trong nghề hát là vô cùng quan trọng, chúng tôi luôn nhắc nhau về một tấm gương nghệ sĩ điển hình thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương vừa tài năng vừa đạo đức nên hưởng hoài lộc Tổ, đó là NSND Lệ Thuỷ. Ngoài tuổi 70 chị vẫn giữ một sức hút mãnh liệt, luôn sống trong tình yêu thương rất nồng nhiệt của khán giả, giọng ca vẫn bén và cát sê luôn ở mức cao. Mặc dù thế hệ của chị có rất nhiều người đã mất, đã bỏ nghề hoặc dù có trẻ đẹp hơn nhưng vẫn không có được sự duyên dáng như thế", NSƯT Minh Hoàng bày tỏ sự cảm kích với thế hệ đàn chị trong nghề của mình.

Lý giải cho thắc mắc: "Tại sao lại có quan niệm nghệ sĩ, ăn xin và ca kỹ chung một Tổ nghiệp?", NSƯT Minh Hoàng nhẹ nhàng giải thích: "Đó là một bài học giáo dục rất sâu xa của người xưa. Về nghĩa đen thì 3 nghề này đều mang danh xin tiền người đời nhưng ở môi trường khác nhau: Người ăn xin do không có điều kiện nên phải ngồi bên đường chờ vào sự bố thí; Người ca kỹ vì những hoàn cảnh đặc biệt không nghề nghiệp, học thức, vốn liếng nên chỉ còn cách phải dùng vốn tự có để được đồng tiền; Và nghệ sĩ phải hát hàng đêm cũng nhờ tiền khán giả thương bỏ ra mua vé vào xem để nuôi sống mình. Nhưng rộng lớn hơn, đây còn là lời răn dạy đầy ý nghĩa: Đã là nghệ sĩ thì phải đề cao đạo đức, lối ứng xử phải phép, không được tự cao, sống khiêm tốn và luôn thông cảm cho những người kém may mắn hơn mình. Bởi hơn ai hết, nghệ sĩ vốn sinh ra có trách nhiệm làm đẹp cho đời"./.

Minh Hoàng Phúc

Wonder English Center Chính Thức Khai Trương tại Cà Mau, Cam Kết Phát Triển Toàn Diện Theo Mô Hình "3 Gốc"

Cà Mau – Ngày 18/04/2025, lúc 9 giờ 30 phút, Trung tâm Anh ngữ Wonder (Wonder English Center) đã long trọng tổ chức Lễ Khai trương tại địa chỉ C3A, Khu Trung tâm Hành chính Chính trị (Nội khu Mường Thanh), Phường 9, TP. Cà Mau. Sự kiện đánh dấu bước chân chính thức của Wonder vào lĩnh vực giáo dục tại địa phương, mang theo tâm huyết kiến tạo một môi trường học tập không chỉ chuyên sâu về ngoại ngữ mà còn hướng đến sự phát triển con người toàn diện.

Bàn giao nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh”

Trong sinh khí nô nức thi đua của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích cao nhất kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chiều ngày 22/4, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức lễ bàn giao nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh” thay lời tri ân và nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, một nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta.

Xuôi dòng Gành Hào

Sông Gành Hào bắt nguồn từ trung tâm TP Cà Mau tại ngã ba sông với kênh Quản lộ Phụng Hiệp và Tắc Thủ (còn gọi là ngã ba Chùa Bà). Ðây là con sông dài, ngoằn ngoèo, có nhiều chi lưu, qua nhiều địa phương và một mạch chảy ra biển Ðông.

Xung kích, tình nguyện giúp dân xoá nhà tạm

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Cái Nước có tổng số 363 hộ gia đình được thụ hưởng nhà ở theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình), trong đó có 275 căn xây mới và số còn lại hỗ trợ sửa chữa. Ðoàn bộ và tuổi trẻ huyện đã tích cực góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng có nơi ăn chốn ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

“Bữa sáng 0 đồng” ấm tình giáo xứ

Người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tắc Vân (TP Cà Mau) như được tiếp sức cho một ngày làm việc cực nhọc với bữa ăn sáng ngon miệng do Giáo xứ Tắc Vân phục vụ.

Nuôi dưỡng tình yêu tri thức qua trang sách

Nhằm khơi dậy niềm say mê đọc sách và tạo điều kiện để học sinh tiểu học được tiếp cận tri thức từ sớm, ngành giáo dục huyện Cái Nước đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá thư viện học đường. Những tủ sách thân thiện, với số lượng đầu sách phong phú, sinh động, không chỉ mang lại niềm vui trong học tập mà còn mở ra thế giới tưởng tượng kỳ diệu, nuôi dưỡng tình yêu tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Không để bệnh dại bùng phát diện rộng

Thông tin từ UBND xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, vào ngày 7/4, trên địa bàn ấp Ông Chừng xảy ra trường hợp bị chó cắn và cho kết quả dương tính với bệnh dại. Hiện nay, ngành chức năng huyện tập trung triển khai thực hiện các bước phòng, chống dịch theo quy định, không để bệnh dại bùng phát trên diện rộng.

Thành phố Cà Mau hoàn thành xoá nhà tạm

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động là chủ trương lớn, nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện phong trào thi đua, cùng với các địa phương trong tỉnh, TP Cà Mau xác định quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ những người còn khó khăn về nhà ở.

Bàn giao cầu "Nghĩa tình quân dân 14"

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày GIải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ ngày 19-20/4, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Tiếp nối truyền thống tự hào Đài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến

Tri ân vùng đất từng cưu mang, đùm bọc Đài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến và chia sẻ với những hoàn cảnh còn khó khăn của các gia đình chính sách, hộ nghèo, các em học sinh vượt khó tại địa phương, đồng thời hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2025), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực đồng bằng sông Cửu Long phối hợp cùng UBND huyện Thới Bình tổ chức các hoạt động về nguồn, tặng quà, khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng khó khăn tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình.