Những ngày giáp Tết, tôi có dịp tháp tùng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Khánh Thuận, huyện U Minh, ghé thăm CCB Huỳnh Văn Lợi, hội viên Chi hội CCB Ấp 3. Trong ngôi nhà mới xây xong, ông Lợi ân cần chuẩn bị nước đãi khách, hỏi ra mới biết, vợ ông mất đã lâu, một mình ông nuôi nấng đàn con thơ dại. Hằng ngày, ông sống bằng nghề giăng lưới cá trên sông, sống trong căn nhà tạm bợ. Những người con của ông trưởng thành, có người đi làm ăn xa, có người lập gia đình riêng, cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn.
- Phát động thi đua chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Toạ đàm về truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Kỷ niệm 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam là sự kiện của cả hệ thống chính trị
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng CCB Huỳnh Văn Lợi vẫn cần mẫn lao động để không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ông Phan Văn Hát, Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thuận, cho biết: “Thấy hoàn cảnh ông Lợi neo đơn, Hội CCB xã bàn với Hội CCB huyện vận động nguồn quỹ từ Trung ương hội hỗ trợ 70 triệu đồng cho ông cất căn nhà kiên cố để có chỗ ở ổn định”.
Cùng với nguồn hỗ trợ của Hội CCB, các con ông góp thêm để xây mái nhà tươm tất hơn cho cha. Ông Lợi bộc bạch: “Hiểu tôi không muốn làm gánh nặng cho con cháu nên con gái tôi đắp nền trên phần đất của nó để cất riêng căn nhà cho tôi ở; đứa con trai út đang làm ở Bình Dương cũng gửi về số tiền tiết kiệm, phụ thêm để cất được ngôi nhà kiên cố và cũng để có chỗ thờ mẹ nó. Qua đây, tôi rất cảm ơn Ðảng, Nhà nước, hội CCB các cấp đã quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn như tôi. Giờ có căn nhà vững chãi, tôi yên tâm hơn rất nhiều”.
Ðôi tai của ông Lợi không còn nghe rõ, sức ngày càng yếu nhưng ông vẫn cố gắng lao động. Ông Lợi phấn khởi: “Giờ có được căn nhà rồi, tôi không mong mỏi gì hơn. Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, tôi trồng hoa màu bán để có thêm thu nhập. Còn sức là còn làm, để không là gánh nặng cho địa phương, cho con cái khi về già”.
CCB Lợi vá lại những lỗ lưới đã rách để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt.
Ông Phan Văn Hát tự hào: “Sự can trường ấy không chỉ có riêng ở ông Lợi mà cũng là đức tính cao đẹp của nhiều CCB trên địa bàn xã. Có những hộ dù đời sống còn khó khăn nhưng vẫn xin thoát nghèo để nhường phần hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, các mạnh thường quân cho người khác khó khăn hơn”.
Như hộ bà Phạm Thị Lập ở Ấp 10. Bà Lập có đất sản xuất nhưng không nhiều. Theo lời kể của những hộ dân nơi đây, những người con của bà Lập do ảnh hưởng của chiến tranh nên tinh thần không được tỉnh táo, một mình bà quán xuyến trong ngoài. Nguồn thu nhập bấp bênh, dẫn đến nghèo khó, nhưng bà chưa bao giờ đầu hàng số phận, quyết chí vươn lên. Chia sẻ với gia đình, các cấp hội CCB đề nghị xét hỗ trợ căn nhà để gia đình bà Lập có chỗ ở ổn định.
Theo ông Hát: “Mỗi hội viên CCB từng là chiến sĩ xông pha nơi chiến trường, đổ máu xương để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những chiến sĩ ngày ấy cần được quan tâm, hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước. Ðó là sự đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và chúng ta cũng thế”.
Hiện trên địa bàn xã Khánh Thuận có 338 hội viên CCB, chỉ còn 1 hội viên nghèo. Những CCB không chỉ anh dũng trong thời chiến mà còn nghĩa khí trong thời bình. Có CCB dù chỉ có hơn 1.000 m2 đất để sinh sống nhưng vẫn sẵn sàng hiến tặng đất cho đồng đội có nơi an nghỉ cuối cùng.
Ðó là nghĩa cử cao đẹp của CCB Nguyễn Văn Ca, Chi hội trưởng Chi hội CCB Ấp 9. Khi hay tin ông Ng.Th.Ph (từng là Chi hội trưởng Chi hội CCB của ấp - PV) qua đời, nhưng gia cảnh nghèo khó, ông Ca bàn với vợ và dành một phần đất của gia đình làm nơi cho đồng đội có nơi yên nghỉ cuối cùng.
Dù diện tích đất không nhiều nhưng CCB Nguyễn Văn Ca vẫn dành tặng phần đất làm nơi cho đồng đội yên nghỉ.
Ông Ca bộc bạch: “Hộ ông Ph rất chí thú làm ăn. Trước đây cũng có đất đai canh tác, kinh tế gia đình cũng thuộc tầm trung, nhưng vì đứa con không may bị bệnh hiểm nghèo, của cải làm ra dần đội nón ra đi theo căn bệnh của đứa con. Hết tiền, ông Ph mới bán lần hồi phần đất để mong tìm sự sống cho con, nhưng sau cùng, tài sản hết nhưng đứa con cũng không còn. Từ đó, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu. Không bao lâu, ông lại mang trong người căn bệnh nặng, tiền làm ra bao nhiêu cũng không đủ thuốc thang, đến khi trút hơi thở cuối cùng thì không có nơi an nghỉ. Với tình làng nghĩa xóm, tình đồng đội keo sơn, tôi quyết định đưa ông Ph về phần đất gia đình mình an nghỉ”.
Hộ ông Ca cũng thuộc diện khó khăn, vừa mới được Quân khu 9 xét hỗ trợ căn nhà để ở. Nghĩa cử của ông đối với đồng đội thật đáng trân trọng.
Chia tay những CCB xã Khánh Thuận, đọng lại trong chúng tôi là nghĩa tình đồng đội ấm áp qua những cái siết tay thật chặt họ dành cho nhau, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng không làm phai nhạt đi tình đồng chí, đồng đội ngày nào./.
Kim Cương