Nắng nóng kéo dài do tác động của El Nino khiến cho toàn tỉnh có gần 6.000 hộ dân phải rơi vào tình cảnh chạy vạy khắp nơi đổi từng can nước phục vụ ăn uống sinh hoạt; hàng trăm ngàn héc-ta đất từ lúa, tôm, rau màu cho đến những ao cá nước ngọt bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết, nét đẹp truyền thống của dân tộc, đó là sự sẻ chia đồng cam cộng khổ, lại một lần nữa được phát huy cao độ.
Nắng nóng kéo dài do tác động của El Nino khiến cho toàn tỉnh có gần 6.000 hộ dân phải rơi vào tình cảnh chạy vạy khắp nơi đổi từng can nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt; hàng trăm ngàn héc-ta đất từ lúa, tôm, rau màu cho đến những ao cá nước ngọt bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết, nét đẹp truyền thống của dân tộc, đó là sự sẻ chia đồng cam cộng khổ, lại một lần nữa được phát huy cao độ.
Những ngày này, về tới ấp Tân Trung, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước hỏi thăm gia đình ông Trương Thanh Ðoàn gần như ai cũng biết. Ông trở nên "nổi tiếng" trong ấp không phải do là cán bộ lãnh đạo cũng không phải vì giàu có, mà chính nhờ giếng nước ngọt mới khoan gần đây. Là một hộ thuộc diện không phải khá giả nhưng ông đã bỏ ra số tiền hơn chục triệu đồng để khoan giếng nước phục vụ cho cả xóm. Ðược biết, ấp Tân Trung hiện nay có gần 20 hộ dân đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phải đi đổi nước hằng ngày và gia đình ông Ðoàn là điểm đến của mọi người.
Chia sẻ tấm lòng
Ðể có nước ngọt, khu vực ấp Tân Trung phải khoan giếng có độ sâu thấp nhất là 200 m nên chi phí đầu tư khá lớn, từ 10-20 triệu đồng/giếng. Trong khi, đa phần người dân nơi đây thuộc diện khó khăn nên khoản tiền đó vượt khả năng của nhiều hộ. Không thể khoan giếng nước, giải pháp duy nhất là đi đổi nước và gia đình ông Ðoàn là địa chỉ đến lý tưởng khi ông chỉ nhận của người dân lại khoản tiền điện.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình chắt chiu từng thùng nước ngọt để phục vụ sinh hoạt. |
Là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của ấp, tiền nước phục vụ sinh hoạt luôn là gánh nặng của gia đình ông Phạm Hoàng Giang. Tuy nhiên, năm nay gánh nặng ấy đã phần nào được cởi bỏ khi ông Ðoàn đã khoan giếng nước sử dụng. Ông Giang bộc bạch, mỗi lần đổi chỉ tốn vài ngàn đồng nên phần nào đỡ vất vả hơn trước kia. Ông nói, nếu theo kiểu một khối nước vài chục ngàn đồng như trước với 4 nhân khẩu, thì gia đình ông chắc "khó sống".
Do là khu vực còn khó khăn nên số hộ khoan được giếng ở ấp Tân Trung chỉ tính trên đầu ngón tay. Ða phần người dân chọn giải pháp trữ nước ngọt trong mùa mưa để phục vụ cho cả mùa khô. Tuy nhiên, do năm nay mùa mưa kết thúc sớm nên nhiều hộ phải chịu thiếu nước. “Nhìn mọi người chắc chiu từng can nước lại nhớ đến cảnh ngộ của gia đình trước kia nên sao nỡ lấy tiền. Tôi chỉ mong sao mùa mưa đến sớm để mọi người đỡ vất vả”, ông Ðoàn bộc bạch.
Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I diễn ra vào 30/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, chủ trương của Chính phủ hiện nay tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh trong công tác chống hạn và xâm mặn cũng như giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phải tập trung quyết liệt, thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm mặn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Các huyện và thành phố nhanh chóng rà soát thật chặt danh sách những hộ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và có khả năng thiếu lương thực, đặc biệt gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc để kịp thời hỗ trợ. Ðồng thời, nhanh chóng rà soát và chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại để bà con đầu tư tái sản xuất. |
Thấu hiểu sự nhọc nhằn của người dân khi sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang cho biết, huyện đã tiến hành khảo sát những nơi và những hộ có điều kiện để vận động họ khoan giếng nước cùng chia sẻ với các hộ còn lại. Ðặc biệt, vận động những hộ có giếng nước chỉ lấy khoản tiền điện, không lợi dụng thời cơ cho đổi nước với giá cao. Về lâu dài, huyện đã có kế hoạch sẽ xây dựng trạm cấp nước tập trung để cung ứng cho người dân.
Trần Văn Thời là huyện có đến 1.977 hộ đang bức xúc về nước sinh hoạt cần được đầu tư nối mạng và khoan giếng. Trong điều kiện khó khăn ấy, tình làng nghĩa xóm lại một lần nữa được phát huy, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Ðồng Khởi thông tin, nhiều khu vực trên địa bàn huyện, chủ giếng khoan cho đổi nước chỉ nhận tiền điện, cách làm này ngày một được lan rộng.
Hiện nay, một số hộ dân sẵn sàng hiến đất để Nhà nước xây dựng trạm cấp nước cho người dân. Mặc dù mới bỏ ra gần 4 triệu đồng để khoan giếng nước, thế nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình sẵn sàng lấp lại nếu Nhà nước tiến hành khoan lại giếng trên phần đất của gia đình để cung cấp cho người dân. Hiện tại, phần đất gia đình ông là nơi đặt trạm nước trước kia của tỉnh để nối mạng cho người dân trong ấp sử dụng và nơi đây cũng đã từng được khoan giếng để cấp nước cho trạm. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, trạm nước đã hư hỏng, cần cải tạo và ông Hùng lại một lần nữa sẵn sàng lấp giếng khoan của gia đình nếu cần.
Cần chủ động
Tình trạng nắng hạn không chỉ gây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân. Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có gần 1.000 hộ đứng trước nguy cơ thiếu lương thực do không thể tổ chức sản xuất vì thiếu nước. Ngoài ra, theo ông Khởi cho biết, hiện gần như các tuyến kinh trên địa bàn huyện đã khô cạn. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài khoảng 1 tháng nữa thì nguồn giống cá đồng trên địa bàn sẽ không còn. Khi ấy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến 14.000 ha nuôi cá đồng của huyện, trong đó, có trên 200 ha nuôi theo hình thức thâm canh.
Tuy nhiên, trong khi nhiều hộ thấp thỏm vì mực nước trong các ao cá cứ giảm thấp từng ngày thì ông Mai Văn Út, Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời vẫn thản nhiên cho 3 ao cá bổi gần 4 tháng tuổi của mình ăn đều đặn ngày 2 cữ. Hiện nay, mực nước trong các ao cá của ông còn khoảng 1,5 m. Ông Út cho biết: “Nếu nắng kéo dài thêm hơn 1 tháng nữa cũng không ăn nhằm gì!”.
Ðể có thể giữ được mực nước còn khá cao như hiện nay, chính là nhờ vào sự chủ động trong sản xuất ngay từ khi đầu mùa khô. Theo ông Út, do biết được tình trạng nắng nóng dự báo sẽ kéo dài nên đã đưa cơ giới vào nạo vét ao cũng như gia cố bờ, từ đó không chỉ ao được sâu hơn mà sự thẩm thấu nước cũng chậm hơn. Ðồng thời, khi các kinh còn nước, ông thường xuyên cấp nước cho ao, nhờ vậy mà giữ được nước.
Ðể giúp những hộ dân trong khu vực bức xúc về nước sinh hoạt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, sở kiến nghị UBND tỉnh ứng trước nguồn ngân sách dự phòng để tiến hành đầu tư nhanh các công trình nước phục vụ người dân. Ðây là những công trình chủ yếu nâng cấp nên vốn không lớn và vì trong điều kiện khẩn cấp nên xin cơ chế vừa thi công vừa thiết kế cho kịp tiến độ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú