(CMO) Do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nên khi vào đầu mùa mưa bão, xã Đất Mũi đã vận động, tuyên truyền người dân ý thức trong việc phòng chống sạt lở cũng như cảnh giác tuyệt đối để đảm bảo tài sản, tính mạng.
Hiện nay, tình hình sạt lở ven sông, ven biển tại địa bàn huyện Ngọc Hiển diễn biến ngày càng phức tạp, đe doạ đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, khiến huyện mỗi năm mất hàng trăm héc-ta đất. Mặc dù chính quyền địa phương đã vận động, giúp đỡ các hộ sinh sống ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn, nhưng chỉ dời được một số hộ sinh sống ở khu vực xung yếu, vẫn còn nhiều hộ ở lại do thói quen sinh hoạt, mua bán ven sông.
Thống kê khoảng 2 năm trở lại đây, huyện Ngọc Hiển xảy ra trên 30 vụ sạt lở đất, làm sập 25 căn nhà, ảnh hưởng gần 700 hộ dân với trên 1.500 khẩu, ước thiệt hại trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triều cường dâng làm tràn, bể 5 km bờ bao, làm thiệt hại hàng trăm héc-ta rau màu và đất sản xuất của người dân.
Xã Đất Mũi là khu vực chịu nặng nề nhất vì nơi đây có nhiều cửa sông, cửa biển, đặc biệt là khu vực cửa biển Vàm Xoáy, nhiều năm nay tình hình sạt lở đã đe doạ hàng trăm hộ dân đang sinh sống nơi đây. Để chủ động phòng chống sạt lở, nhiều hộ dân phải tự bỏ tiền ra xây dựng bờ kè.
Ông Nguyễn Văn Khởi, ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi, tâm sự: “Ở đây sóng biển làm sạt lở dữ lắm nên nhiều hộ dân rất lo. Khi triều cường nhà ai cũng bị ngập khoảng 0,5 cm, phải chịu cảnh sống chung với nước. Để phòng chống sạt lở, người dân nơi đây tự bỏ tiền ra xây dựng kè, tạm thôi chớ không chắc lắm”.
Đoạn đê này dài hơn 100 m, là khu vực phía trước nhà của 6 hộ dân ấp Kênh Đào Tây mới được xây lên để ngăn sóng biển. Những hộ dân ở đây phần lớn đều sống bằng đánh bắt gần bờ, thu nhập còn hạn chế, song chứng kiến cảnh đất đai mỗi năm cứ trôi dần xuống biển, bà con không ai bảo ai, đều tự nguyện đóng góp để cứu lấy phần đất của mình. Người ít nhất 6 triệu đồng, người nhiều nhất đóng góp đến hơn 20 triệu đồng.
Người dân tự kè bê tông chống lở. |
Ông Hồ Bá Lộc, ấp Kênh Đào Tây, nói: “Hiện khu vực của gia đình tôi đang sinh sống sạt lở rất nghiêm trọng, phải dời nhà lên trên đến 30 m”. Đoạn đê đã hoàn thiện, nhưng có phần mỏng manh, bởi sức dân còn yếu. Không biết nó có thể chống đỡ được bao lâu với những con sóng dữ như cách người dân đã mô tả hay không, nhưng đây có lẽ là giải pháp duy nhất hiện giờ, để họ an tâm trước nỗi lo mùa mưa bão.
Do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nên khi vào đầu mùa mưa bão, xã Đất Mũi đã vận động, tuyên truyền người dân ý thức trong việc phòng chống sạt lở cũng như cảnh giác tuyệt đối để đảm bảo tài sản, tính mạng.
Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Võ Công Trường cho biết: “Đa phần người dân rất ý thức trong việc phòng chống nên đã chủ động di dời tài sản, không để vật nặng phía sau nhà. Các hộ sinh sống nơi sạt lở xã có chính sách di dời đến khu tái định cư, đồng thời chúng tôi cử người thường xuyên theo dõi tình hình sinh sống của người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở”.
Huyện Ngọc Hiển có hàng trăm cửa sông, rạch phải chịu cảnh sạt lở hàng ngày. Còn ở ven biển, hiện có gần 700 hộ dân với trên 1.500 khẩu sinh sống ở các điểm xảy ra sạt lở cao xã Đất Mũi, Tam Giang Tây, Viên An và thị trấn Rạch Gốc, với chiều dài trên 7 km. Bên cạnh việc đưa người dân vào các khu tái định cư, các giải pháp về xây dựng kè chắn cũng cần được quan tâm hỗ trợ, bởi không những bảo vệ đời sống người dân, mà còn bảo vệ những dải đất vùng địa đầu Tổ quốc, vốn đang bị thu hẹp dần vì sạt lở./.
Huỳnh Tứ