(CMO) Hôm về xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, cô Từ Thị Sinh, quê Tân Quảng B, ngoài 80 tuổi, ghé tai chúng tôi nói nhỏ: “Cô từng tuổi này chớ còn mê công tác hội lắm, mà nói thiệt, cô mê nhất cái nết làm việc của Thanh An”. Chúng tôi cũng đồng tình với cô, thủ thỉ: “Chị Ðào Thị Thanh An giờ là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã nổi tiếng à nghen”. Còn nhân vật chính, lúi húi chặt dừa tiếp khách, nụ cười tươi rói toát lên nguồn năng lượng tích cực, xởi lởi: “Ghé thăm má một chút rồi mình đi xuống ấp thăm chị em vùng bãi ngang ven biển Tây, nhiều chuyện hay lắm...”.
Tạt ngang qua nhà chị Võ Kim Chúc, ấp Tân Quảng B, chị Thanh An nói khách đợi một chút, vào nhà hỏi han đủ thứ: “Mấy đứa nhỏ đi học hả Chúc? Tụi nó học đỡ không? Gạo, nhu yếu phẩm tháng này có nhận chưa?”. Hỏi ra mới biết, chị Chúc có chồng qua đời vì dịch Covid-19, nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. 3 đứa nhỏ được Hội LHPN xã nhận làm con đỡ đầu, mỗi tháng được cấp 20 kg gạo và nhu yếu phẩm sinh hoạt. Cả xã Nguyễn Việt Khái có 36 em gọi chị Thanh An là má giống như vậy.
Ði được một đoạn, chị Thanh An lại ghé vào tiệm tạp hoá, xách lủ khủ, nào bột ngọt, bánh kẹo ra. “Bánh kẹo chị mua, lát nữa cho mấy đứa nhỏ xóm Sào Lưới. Còn bột ngọt, gởi tặng cô chú, chị em dưới lớp học”, chị giải đáp sự thắc mắc của khách. Nhưng ngạc nhiên này nối ngạc nhiên khác. Tụi nhỏ xóm Sào Lưới đã ra sân, đón đường đợi sẵn má Thanh An từ lúc nào. Thì ra, tụi nhỏ quen tiếng xe của chị, nghe là ra ngóng đón.
Vào lớp học xoá mù chữ ở cửa biển Sào Lưới, cô giáo Thanh An lễ phép chào các cô, chú, chị em. Giới thiệu về những lớp học đặc biệt này, chị kể: “Tính đến giờ, 2 lớp học xoá mù chữ ở cửa Gò Công và cửa Sào Lưới có khoảng 80 lượt người theo học. Tính lượt người là nguyên do thế này, cô chú, chị em vào học chữ khi lớn tuổi, có người nhớ, có người quên, như học ngoại ngữ vậy đó, ai quên thì đăng ký học lại”.
Không chỉ tổ chức lớp xoá mù chữ, chị Thanh An còn tích cực vận động tài trợ và trực tiếp đứng lớp. |
Chị Trương Kim Lến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới, người phụ chị Thanh An đứng lớp dạy học xoá mù chữ ở cửa Sào Lưới, chia sẻ: “Cái hay nhất là người khác vận động bà con đi học không được, nhưng chị An hô một tiếng là bà con đến liền”. Cô Nguyễn Thị Thao, ấp Sào Lưới, 74 tuổi, học viên lớn tuổi nhất lớp dẫn cháu cố theo học, rất quyết tâm: “Mình già quá rồi, học để biết chữ, để khi chết không làm con ma dốt”. Chú Nguyễn Văn Sang, cũng đã 62 tuổi, thổ lộ: “Ði ra chợ không biết đọc bảng hiệu, người ta chỉ mua đồ mà không biết đường lần, tức quá phải biết chữ để đi chợ mua đồ chớ”. Có chị mê karaoke quá mà đọc chữ không chạy, đem "hoàn cảnh ngặt nghèo" của mình nói với chị Thanh An: “Em quyết tâm học để hát cho đã, chớ hát thuộc lòng nhiều khi trật, người ta cười, quê thấy mồ”.
Chúng tôi biết chị vốn xuất thân từ nghề giáo, thế nên duyên nghiệp cứ vận vào một cách rất đời, rất tự nhiên. Nhưng phải có bí quyết riêng để vận động bà con đi học...
Thì có khó gì, trước khi mở lớp, chị Thanh An không hô hào đao to, búa lớn, chỉ nhỏ nhẹ: “Chị em nào xung phong đi học xoá mù chữ, tổ chức hội phụ nữ có hỗ trợ gì sẽ ưu tiên. Ai không học thì chịu khó chờ”. Chưa hết. Mỗi lần cô giáo Thanh An xuống lớp, khi thì chai nước mắm, khi gói bột ngọt, lúc thì quyển sách, cây bút, cuốn sổ... những món quà nhỏ thôi, nhưng đủ để lớp học lúc nào cũng đong đầy nghĩa tình, học sinh càng thêm nỗ lực, con chữ cũng vì thế mà dễ hiểu, dễ học hơn.
Với chị Thanh An, công tác hội không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ duyên, là cơ hội để cống hiến cho đời sống này. Những con số, những công việc mà chị Thanh An đã làm được từ khi giữ vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái (năm 2010) quả thật ấn tượng. Từ nguồn vận động riêng, chị Thanh An đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 129 căn nhà Mái ấm tình thương cho chị em phụ nữ khó khăn trên địa bàn xã.
Nhẩm tính về số vốn giúp chị em phụ nữ của xã được tiếp cận, chị Thanh An cho biết đã lên hơn 25 tỷ đồng chỉ trong 5 năm (2016-2021), với hơn 650 lượt hội viên được hỗ trợ. Cũng trong quãng thời gian này, khoảng 300 chị em của xã được đào tạo nghề, 2 tổ may gia công được thành lập. Nói như chị Lý Thị Linh, Tổ trưởng Tổ may gia công Ðồng Tiến, ấp Cái Ðôi Nhỏ: “Hiện tại, mỗi tháng thu nhập của chị em tổ viên ổn định từ 3-5 triệu đồng, điều mà trước đây có mơ cũng không thấy”.
Do đặc thù của địa phương là vùng ven biển, nên chị Thanh An đứng ra vận động thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp, như làm mắm, làm cá khô, nuôi tôm tít, trồng rau màu, mô hình buôn bán nhỏ... thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Không chỉ góp phần giảm nghèo cho địa phương, có những hội viên đã tạo được nguồn thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng từ sản vật quê hương.
Bằng tinh thần trách nhiệm, sự linh động, sáng tạo, chị Thanh An đã hỗ trợ phụ nữ vùng bãi ngang ven biển Nguyễn Việt Khái vươn lên trong cuộc sống bằng các mô hình sinh kế phù hợp, bền vững. (Ảnh: Tổ hợp tác may gia công Ðồng Tiến, ấp Cái Ðôi Nhỏ). |
Trước thực tế nhiều vùng ở xã Nguyễn Việt Khái thiếu nước ngọt, đời sống chị em phụ nữ rất vất vả, có khi đi tới 10 cây số mới có nước sinh hoạt. Năm 2020, chị tham gia chương trình “Dự án rút ngắn khoảng cách” nhằm đưa nước sạch về nông thôn cho bà con vùng khó khăn ven biển. Kết quả, chị đã đoạt giải vòng khu vực, trị giá giải thưởng 120 triệu đồng. Dự án được khởi công vào tháng 12/2020 và hiện nay sắp đưa vào vận hành. Với chị Thanh An: “Làm được điều gì giúp ích cho bà con, chị em thì mình rất nỗ lực, chỉ đơn giản vậy thôi. Tiền giải chưa đủ, tôi phải vận động thêm để công trình đủ sức phục vụ bà con, mới yên tâm được”.
Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ bên ngoài, nhưng chị Thanh An không quên nhắc đi, nhắc lại một điều quan trọng với chị em phụ nữ xã nhà, đó là phải dựa vào chính sức mình, tự mình vươn lên trong cuộc sống. Suốt quá trình công tác, chị Thanh An tâm đắc cho mình một lẽ rất chân phương: “Chị em có thương, có tin cậy thì công tác hội mới thông suốt. Mà muốn được như thế thì bản thân mình phải chân thành, sâu sát, thấu hiểu, tôn trọng và san sẻ với hội viên”.
Khi từ giã chị em phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, có người níu lại quả quyết: “Chuyện về chị Thanh An còn nhiều cái hay lắm, nói một buổi không hết đâu. Thiệt đó!”. Phía sau, lấp lánh nụ cười tươi rói, trong veo, tràn đầy nguồn năng lượng tích cực. Với mỗi người, hạnh phúc là khác nhau. Còn riêng chị Ðào Thị Thanh An, chúng tôi cảm nhận rõ ràng rằng, hạnh phúc đơn giản là khi đi gieo mầm hạnh phúc...
Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân: “Chị Thanh An với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã luôn là đầu tàu, linh hồn trong mọi phong trào của chị em phụ nữ địa phương. Những đóng góp của chị được quê hương, bà con Nhân dân ghi nhận bằng sự mến thương, tin cậy. Ðiều mà chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất là nhiệt tâm, trách nhiệm và tinh thần lăn xả vì công việc chung của chị”.
Chị Phạm Lý Ba, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân: “Những cán bộ hội ở cơ sở tâm huyết, trách nhiệm như chị Thanh An đã thổi lên luồng sinh khí mới, hiệu quả cho các phong trào hoạt động phụ nữ trong bối cảnh hiện nay. Những chuyển biến kỳ diệu của đời sống chị em phụ nữ vùng ven biển xã Nguyễn Việt Khái ghi đậm dấu ấn đóng góp của chị Thanh An”.
Ghi chép của Hải Nguyên - Hữu Nghĩa