(CMO) Ngành tuyên giáo tỉnh Cà Mau có bề dày 90 năm lịch sử. Ít ai biết rằng, những tên tuổi lẫy lừng của cách mạng Việt Nam, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng trưởng thành từ ngành tuyên huấn, cách gọi trước đây của ngành tuyên giáo, tại mảnh đất Cà Mau.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngành tuyên giáo tỉnh nhà có những anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì sự nghiệp chung, trong đó phải nhắc đến các Anh hùng LLVTND: Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy, Trần Văn Thời, Châu Văn Đặng, Nguyễn Mai. Đây cũng là cái nôi đào tạo để nhiều lớp cán bộ chủ chốt của Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) trưởng thành suốt chặng đường cách mạng.
Bà Lê Thị Mỳ (bí danh Hai Hồng) nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ từ năm 1966-1975, hồi nhớ: “Cán bộ tuyên huấn ngày trước chỉ biết dồn hết tâm sức cho công việc cách mạng, không một đồng lương, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Đi tới đâu thì nương tựa vào người dân ở đó”. Chính bà Hai Hồng cũng nhiều lần đứng giữa lằn ranh sống - chết khi giặc dội bom trúng nơi đứng chân của đơn vị. Tuy nhiên, nói như bà Hai Hồng: “Người làm tuyên huấn luôn tự hào, luôn nhận thức sâu sắc được trọng trách mà cách mạng giao phó, đó là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong kháng chiến, có những giai thoại vui nói về ngành tuyên giáo, mà về sau này tam sao thất bản, khiến ý nghĩa ban đầu của những câu chuyện ấy bị sai lệch. Ấy là tiêu chuẩn “cao” để lựa chọn cán bộ làm ngành tuyên giáo. Chẳng có quy định văn bản chính thống, chỉ là một thông lệ, đã là cán bộ tuyên giáo thì “tướng tá” phải ngon lành, ăn nói lưu loát, có trình độ lý luận, có sức thu hút và thuyết phục người khác. Bởi vậy, cán bộ tuyên huấn Cà Mau đã là nam thì phong độ, đẹp trai; nữ thì sắc sảo, thu hút. Mặt khác, do đặc thù lĩnh vực hoạt động, cho nên dân tuyên huấn chủ yếu trên mặt trận tư tưởng, là “nói”, thành ra bị đặt chế là “dân tuyên giáo chỉ nói không làm”.
Sau này, gặp gỡ nhiều cô chú nguyên lãnh đạo ngành tuyên huấn Cà Mau qua các thời kỳ, khi mở lòng, các cô chú chỉ cười nói: “Đó là người ta ghen ăn tức ở vì dân tuyên giáo nói hay quá, thuyết phục quá”. Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hảnh, nguyên Trưởng đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau, tếu táo: “Mầy thấy ai hát mà hạ đồn không. Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chi hát ở Nhưng Miên đó”. Riêng chuyện này, chúng tôi biết. Nghệ sĩ Năm Chi là mẫu thân của ông Phạm Thành Công, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức Báo Cà Mau. Quãng thời gian cuối đời, khi nhắc tới kỷ niệm đó, bà Năm như trẻ lại với không khí những ngày xưa.
Nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Đằng trao kỷ niệm chương cho các cán bộ tuyên giáo tại Cà Mau có nhiều thành tích. |
Lão thành cách mạng Nguyễn Duy Qườn (Năm Bang), nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ giai đoạn 1961-1968, bồi hồi xúc động khi nói về kỷ niệm của bản thân: “Công tác tuyên giáo mỗi thời mỗi khác, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ khi nào cán bộ tuyên huấn đủ tốt, đủ uy tín, đủ sức thuyết phục được Nhân dân thì nhiệm vụ mới thành công được. Muốn vậy, cán bộ tuyên huấn phải sâu sát với đời sống, với quần chúng, suy nghĩ, hành động vì lợi ích của cách mạng, của Nhân dân”. Với ông Năm Bang, những phẩm chất cần có của cán bộ tuyên huấn ngoài những tiêu chuẩn cơ bản thì còn cần phải có sự học hỏi, quan sát, đầu óc phản biện, dám nhận sai, sửa sai và biết phấn đấu để chiến thắng những giới hạn của bản thân.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Minh Hải - Cà Mau Lê Khải Phong nhận định: “Trong mọi hoàn cảnh, ngành tuyên giáo luôn phải đi trước một bước trên mặt trận tư tưởng, là mũi giáo nhọn của cách mạng để áp chế và chiến thắng mưu mô xảo quyệt của kẻ thù, đồng thời cổ động, huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển Tổ quốc”. Điều ấy càng đúng hơn trong bối cảnh quê hương, đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới. Một yêu cầu cao hơn, nhưng vô cùng cấp bách, ngành tuyên giáo còn phải dự báo, dự đoán được các xu thế, thách thức, vận hội, từ đó trở thành ngọn cờ đầu dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng.
Trao đổi với Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau Trần Văn Tý, ông cho biết: “Lịch sử đã qua của ngành tuyên huấn - tuyên giáo Cà Mau là hết sức đáng tự hào. Chúng tôi đang nỗ lực để tập hợp tư liệu, xây dựng các công trình liên quan đến lĩnh vực này để gìn giữ, phát huy truyền thống. Đó cũng là những bài học lịch sử, kinh nghiệm để soi rọi cho công tác tuyên giáo ở thời điểm hiện tại và tương lai”. Triết học chỉ rõ, con người chỉ hành động đúng khi suy nghĩ đúng, suy nghĩ đúng bắt nguồn từ nhận thức đúng và công tác tuyên giáo - tuyên huấn, suy cho cùng là hướng con người ta đến nhận thức đúng.
Trong mỗi bước đi của quê hương dân tộc, từ bần cùng nô lệ đến ánh sáng của tự do, độc lập và hôm nay là hoà bình, thịnh vượng, ngành tuyên giáo - tuyên huấn của cả nước nói chung, của Cà Mau nói riêng đã dành tất cả để phụng sự và phấn đấu vì những mục tiêu ấy. Tuyên huấn - tuyên giáo không chỉ hướng con người đến những gì cao đẹp, đúng đắn, mà đó còn là kết tinh, sự đồng vọng và là tiếng nói đại diện của dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam./.
Phạm Quốc Rin