(CMO) Hiện nay, Cà Mau có hơn 1.400 người mù, chiếm hơn 7,6% số người khuyết tật trong tỉnh.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cà Mau Cao Thanh Quý trăn trở, trong số đó có gần 70% người mù đời sống gặp nhiều khó khăn, nghèo, sống bám vào gia đình; Chưa kể tỷ lệ phụ nữ mù gần 50% và hơn 20% trong số đó là trẻ nhỏ. Song, chỉ có huyện Phú Tân và Cái Nước thành lập được hội người mù cấp huyện để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người mù.
Anh Quý phân trần, điều kiện thành lập hội cấp huyện trước hết phải có trụ sở, kinh phí và con người. Ngay cả cấp tỉnh, trụ sở hoạt động còn phải thuê, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất.
Trụ sở Hội Người mù tỉnh Cà Mau cũng là cơ sở xoa bóp, massage người mù, toạ lạc trên đường Lê Anh Xuân, Khóm 8, Phường 8, TP Cà Mau. Tuy nằm ngay mặt tiền, nhưng để tìm đúng địa chỉ cũng phải mất từ 10-15 phút do khu vực này có nhiều đường, nhiều ngã rẽ. Anh Quý đùa: “Có khi khách hỏi, tôi cũng không biết sao mà chỉ dẫn tỏ tường vì tôi mù đường đúng nghĩa”.
Một trệt, một lầu, mọi thứ vật dụng đều sạch sẽ, ngăn nắp. Anh Quý cho biết, nhà sắp hết hạn hợp đồng do hội chỉ thuê trong 2 năm (6 triệu đồng/tháng). Anh vẫn chưa biết hướng đi tới sẽ thế nào, bởi trước mắt còn quá nhiều khó khăn, thách thức.
Theo anh Quý, hội duy trì hoạt động được đến nhiệm kỳ thứ II (2017-2022). “Chức năng giống như các hội đặc thù khác, nhưng Hội Người mù “đặc thù” hơn là phải thuê trụ sở và thuê người sáng mắt làm kế toán, văn thư. Kinh phí hạn hẹp”, anh Quý nói đùa nhưng thật.
Phó chủ tịch Hội Người mù Nguyễn Ngọc Diệp chia sẻ, nơi đây giống như mái nhà chung cho những người cùng cảnh nhưng rất hạn chế. Hội họp cũng chỉ hơn chục người. Không ghế, không loa, không lo được cho người mù ở huyện lên có nơi ăn chốn ở mỗi bận sinh hoạt. Có đợt phát quà, người mù ở các huyện chưa thành lập được hội, họ lên đến nơi có khi không đủ tiền về, nhưng họ vui vì được sẻ chia, vì họ không thấy cô đơn về tinh thần.
Hiện nay, ngoài cơ sở xoa bóp, massage do anh Cao Thanh Quý hướng dẫn kỹ thuật truyền nghề và làm kinh doanh, chị Diệp còn giúp phụ nữ mù có nghề đan thảm, kết cườm. Song, theo lời chị Diệp, chỉ có thể dạy cơ bản, ít ai học bài bản, đến nơi, do khi đến học, hội không thể đảm bảo được ăn, ở cho chị em, nên học được vài ngày, hay vài tháng họ lại quay về địa phương. Khó khăn nữa là đầu ra sản phẩm.
Chị Diệp tâm tình: “Tôi chỉ có thể bán sản phẩm của chị em ở chợ đêm, bữa được vài chục, bữa chẳng bù được tiền xe ôm. Nhưng không bán thì lấy đâu ra tiền mua nguyên vật liệu cho các chị tiếp tục học nghề”. Thế nên, mỗi tối chị lại quẩy túi đi xe ôm ra chợ đêm bày hàng.
Chị Diệp mong muốn có được trụ sở rộng rãi hơn để tổ chức các lớp dạy nghề và tìm đầu ra sản phẩm giúp phụ nữ mù có cuộc sống tốt hơn. |
Mò mẫm thu xếp sản phẩm kết cườm do chị Diệp dạy, chị Diệu Tâm (49 tuổi, quê Phú Tân), chia sẻ: “Tôi mù bẩm sinh. Trước đây phải sống nhờ sự chăm sóc của cha mẹ. Rồi cha mất sớm, mẹ cũng từ bỏ cõi trần cách đây 4 năm. Tôi bơ vơ, lầm lũi một mình. May nhờ gặp chị Diệp rủ lên đây để hội đỡ đần, tôi mới có nơi ăn chốn ở, sống vui với anh em”. Chị Diệu Tâm hiện là “chị nuôi” lo đời sống cho 8-10 người mù sinh hoạt tại Tỉnh hội. Chị cười: “Chị nuôi là mấy anh chị phong tặng vui thôi, chứ chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Nhưng chỉ còn vài tháng nữa phải trả nhà. Chúng tôi không biết phải thuê ở đâu, sinh hoạt thế nào”.
Anh Cao Thanh Quý bộc bạch, mọi khó khăn bắt nguồn từ không có trụ sở và cơ sở vật chất. Hội là nơi thể hiện tiếng nói, ý chí và chăm lo quyền lợi cho người mù. Nhưng điều kiện chưa cho phép hội hoạt động hiệu quả, giúp nhiều người mù hơn. Ngay cả việc dạy chữ nổi cho người mù, toàn tỉnh chỉ được vài người biết chữ. Chính anh Quý chỉ học chữ nổi cơ bản nhất, và anh học tận Sài Gòn. Anh trăn trở, trẻ em mù có đến 20%, nhưng chỉ được gia đình chăm sóc, số ít được đưa đi học tại các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Cà Mau là đa chức năng, số em khiếm thị được học rất ít. Thiết nghĩ, tỉnh Cà Mau cần có hẳn một trung tâm phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị như các tỉnh khác nhằm tạo điều kiện để người mù phát huy sức cống hiến cho xã hội, bởi lẽ đã có người mù ở các tỉnh học đại học, trở thành thầy giáo, thành người có ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội.
Anh Quý nhắc đến anh Trần Văn Thiện (anh Thiện mù bán vé số, nhân vật bài viết “Ánh sáng tình cha” trên báo Cà Mau số ra ngày 9/3). Anh Thiện hiện là Uỷ viên BCH Hội Người mù tỉnh, anh từng là thầy giáo, nhưng nay bán vé số để mưu sinh. Anh Quý từng gợi ý anh Thiện đi ngoài tỉnh học chữ nổi để về dạy cho người mù, như vậy anh Thiện cũng sẽ có thêm thu nhập. Nhưng ngẫm lại, hiện nay đời sống anh Thiện khó khăn, hội chưa thể đảm bảo quyền lợi cho anh và gia đình, thì chi phí đâu anh đi, rồi những ngày anh không bán lấy đâu ra tiền lo cho con ăn học, rồi học về chỗ đâu dạy chữ, rồi người đi học chữ cũng cần được hỗ trợ bữa ăn, lấy đâu ra kinh phí... Rất nhiều trăn trở cứ quẩn quanh.
Tôi hỏi việc sinh hoạt định kỳ, tuyên truyền chính sách pháp luật... thì thế nào? Anh Quý và những người mù có mặt lắc đầu. Tất cả cũng bởi không có trụ sở. Anh chia sẻ thêm, rất nhiều người mù gọi hỏi anh và anh chưa biết hỏi ai về vấn đề trợ cấp. Cụ thể, người mù ở thành phố được hỗ trợ 810.000 đồng/tháng. 2 huyện có hội cấp huyện cũng là 810.000 đồng. Các huyện như Thới Bình, Năm Căn, Đầm Dơi thì chỉ 410.000 đồng/người/tháng. Trước những câu hỏi, anh chỉ biết hướng dẫn họ làm đơn hỏi các cấp, các ngành, nhưng không phải ai cũng làm được, đi được và được đáp lời thoả đáng.
Chị Diệp bộc bạch, phụ nữ mù lập gia đình đã khó, làm vợ, làm mẹ, được gia đình chồng tôn trọng và hoà nhập tốt với cộng đồng lại càng khó khăn. Phụ nữ mù rất nhiều thiệt thòi. Các ngày lễ đặc biệt cho phụ nữ cũng không biết đến quà. Ngay cả việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống các bệnh lây nhiễm cũng là việc không dễ dàng. Chị Diệp cũng là phụ nữ, là cán bộ hội, chị thấu hiểu nỗi niềm của chị em, chị đang từng ngày dốc sức giúp phụ nữ mù có được điều kiện tốt nhất, nhưng với con số hơn 650 người thì sức chị có hạn. Hiện nay, Hội Người mù tỉnh rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân./.
Băng Thanh