Tôi gặp cô Trần Hồng Cúc vào một buổi chiều cuối tháng Bảy trong con hẻm nhỏ. Cô tiếp tôi bằng nụ cười hiền hậu, nụ cười làm cho người đối diện thấy thật nhẹ lòng.
Tôi gặp cô Trần Hồng Cúc vào một buổi chiều cuối tháng Bảy trong con hẻm nhỏ. Cô tiếp tôi bằng nụ cười hiền hậu, nụ cười làm cho người đối diện thấy thật nhẹ lòng.
Khi tôi hỏi: “Hôm thứ Ba cô đi đâu mà con đến tìm không gặp?”. Cô thoáng suy nghĩ như cố nhớ lại: “À, hôm đó cô đi xã Khánh An phát gạo với mấy bà bạn, cũng được gần 1 tấn đó con”. Tôi nói: “Ðã U70 rồi, đi lại xa xôi như vậy mệt lắm không cô?”. Cô quay qua bảo: “Cô thấy khoẻ hơn đó, thấy bà con vui, mình cũng mừng lây”.
Cô Trần Hồng Cúc. |
Những chuyến đi như thế cứ đều đặn và diễn ra trong sự lặng lẽ không phô trương, hình thức. Cũng có những thắc mắc, tại sao cô không mời báo, đài đi theo để ghi hình, đưa tin? Tuy nhiên, với cô, điều đó cũng cần, nhưng quan trọng là giúp bà con mình vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Cô sinh năm 1944, quê gốc ở Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1972, gia đình cô dọn về sống tại Cà Mau. Những ngày mới về đây, cuộc sống gia đình cô phải trải qua với muôn vàn khó khăn, nhưng bằng nghị lực và sự vượt khó, cô và những người thân đã dần ổn định lại cuộc sống. Cô chỉ tay về hướng có gian hàng nhỏ với cái bàn gỗ đã cũ ở góc chợ phường 2 và bảo, đó là nơi cô bán thức ăn chay vào mỗi buổi sáng. Ðã gần 40 năm nay, trừ những ngày đi làm từ thiện, còn lại cô vẫn đều đặn đến đó. Như thói quen, những khách ghé qua có khi cô bán không lấy tiền vì hoàn cảnh họ khó khăn, người già neo đơn hay trẻ em lang thang cơ nhỡ.
Ðiều tôi khâm phục nhất ở cô là sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Có khi đi đến một vùng quê hẻo lánh, thấy đường đi còn khó khăn, thế là cô mạnh dạn gặp chính quyền địa phương, bàn bạc, yêu cầu dự trù kinh phí. Sau đó cô về bàn lại với những người bạn của mình để quyên góp làm đường. Cô nhớ lại: “Cây cầu bắc qua ấp Cái Ngang và Cái Rô giờ thuộc xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau là cây cầu đầu tiên cô đứng ra quyên góp bạn bè. Ðã 20 năm trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng cô vẫn mãi không quên khoảnh khắc hạnh phúc khi cùng chính quyền địa phương và bà con địa phương hăm hở bước những bước chân đầu tiên trên cây cầu kiên cố ấy”. Và đó cũng là động lực để cô tiếp tục có những chuyến đi từ thiện sau này.
Tính từ năm 2014 đến nay, cô Cúc đã đứng ra vận động nhà hảo tâm bắc được 2 cây cầu tại xã Ðịnh Bình và hoàn thành 12.000 m lộ nông thôn trên địa bàn ấp 10, xã An Xuyên, TP Cà Mau, cùng gần 5 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác giúp người nghèo. Ðối tượng cô giúp đỡ thường là những người yếu thế trong cuộc sống, từ những đứa trẻ mồ côi đến những cụ già neo đơn, từ những nạn nhân chất độc da cam, đến những bệnh nhân tâm thần… Cô giúp từ nhu yếu phẩm như: gạo, đường, muối đến nhiều công trình phúc lợi xã hội. Từ những vùng quê xa xôi hẻo lánh đến chốn thị thành, nơi đâu cô cũng đến và giúp đỡ nhiệt tình không nề hà vất vả.
Anh Trần Hữu Nghĩa, Trưởng khóm 5, phường 2, nơi cô sinh sống, chia sẻ: “Cô Cúc là nhà hảo tâm rất tích cực của địa phương. Hầu hết các cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo cô đều hưởng ứng nhiệt tình. Trong khóm, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có hữu sự gì cô đều đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ”.
Ông Nguyễn Hữu Khải, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi phường 2, cho biết: “Trong những năm qua, cô Cúc đã có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện tại địa phương, riêng trong đợt phát động vừa rồi, cô đã hỗ trợ 60 kg gạo cho một bé gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nằm trong diện được hỗ trợ của hội. Từ những đóng góp trên, tại Ðại hội Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi phường 2, cô được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội, nhiệm kỳ 2015-2020”.
Ðã bước qua tuổi 70 nhưng cô Cúc chưa chịu nghỉ ngơi bên người bạn đời cùng con cháu. Ðôi chân ấy vẫn cứ đi, đôi bàn tay ấy vẫn sẵn sàng dìu đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tôi hỏi: “Ðiều cô mong muốn hiện giờ cho bản thân mình là gì?”. Cô trả lời rất nhanh: “Cô chỉ mong mình có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục đi làm từ thiện, làm đến khi nào không còn sức thì thôi”. Rồi cô cười thật tươi, tôi nhìn thấy trong mắt cô thật nhiều niềm tin và hy vọng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Khoẻ