ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 22:34:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người thổi hồn cho môn Lịch sử

Báo Cà Mau Lịch sử là môn học với nhiều mốc thời gian, sự kiện, nhân vật, địa danh... được xem là khô khan, khó nhớ. Nhưng bằng kiến thức, kinh nghiệm, lòng say mê, trách nhiệm và phương pháp giảng dạy khoa học, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Hoàng Văn Sum đã mang đến cho học sinh những tiết học Lịch sử hấp dẫn, cuốn hút và đầy tự hào.

26 năm công tác trong ngành giáo dục, riêng tại Trường THPT Thới Bình, thầy đứng trên bục giảng hơn 24 năm, với 16 năm là Tổ trưởng bộ môn Lịch sử. Nhiều năm liền thầy làm Tổ trưởng Tổ bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) dự thi vòng quốc gia môn Lịch sử của tỉnh, là Phó Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2007 đến nay.

Sẵn lòng sẻ chia

Với NGƯT Hoàng Văn Sum, chưa lúc nào thầy vơi đi tình yêu nghề và luôn biết cách làm mới để “thổi hồn” vào mỗi bài giảng. Ðặc biệt, kể từ năm 1997 (bắt đầu đảm nhận bồi dưỡng HSG) đến nay, ở bộ môn này, thầy giáo Sum đã có 98 HSG vòng tỉnh, 28 HSG vòng quốc gia.

Thầy cho biết, để đạt được hiệu quả trong công tác giảng dạy, người thầy phải biết khơi dậy ở học sinh niềm đam mê bộ môn. Từ đó có những phương pháp giảng dạy tốt nhất, đồng thời giúp các em có được phương pháp, kỹ năng học tập hiệu quả, như: kỹ năng đọc, nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu; kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề...

Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Thị Nghĩa trao tặng chân dung Bác Hồ cho Nhà giáo Ưu tú Hoàng Văn Sum tại Lễ tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2016, tại Hà Nội.

Năm học này, thi tốt nghiệp môn Lịch sử theo trắc nghiệm. Tuy đây là điều băn khoăn trong đội ngũ quản lý, giáo viên và học sinh, nhưng theo thầy, hình thức thi này có nhiều ưu điểm. Nó đòi hỏi kiến thức rộng, bao quát, giáo viên và học sinh phải chuyển đổi phương pháp dạy và học phù hợp.

“Trong công việc thầy quyết đoán, nghiêm túc, trách nhiệm, còn ở ngoài đời, thầy rất thân thiện, cởi mở và hay cười”, thầy Nguyễn Mạnh Thắng, giáo viên bộ môn Ngữ văn, nhận xét. Thầy Thắng là học trò cũ của NGƯT Hoàng Văn Sum năm học 1997-1998.

Thầy Thắng kể, ở thời điểm đời sống giáo viên còn chật vật, khó khăn, trường lớp xập xệ, rất nhiều đồng nghiệp xa quê về đây công tác, thầy Sum cho họ ở nhờ nhà, dù nhà nhỏ, rồi hướng dẫn cách thức xin việc. Sau ổn định, họ ở tập thể, thầy Sum luôn là người hàng xóm tốt bụng, nhiệt tình.

Chính lối sống giản dị, chan hoà ấy, dù ở cương vị nào, thầy Sum cũng được đồng nghiệp, học sinh kính trọng. Như lời chia sẻ của thầy Thắng, thầy Hoàng Văn Sum là người thầy, người anh, người đồng nghiệp và là người bạn thân thiết.

Say nghề

Cùng thời với thầy, đã có nhiều đồng nghiệp không trụ vững, phải bỏ trường, bỏ lớp, nhưng thầy vẫn tiếp tục theo đuổi nghề dạy học. Vì lẽ gì? Thầy Sum bật cười, thản nhiên đáp: “Vì yêu nghề thôi!”.

Thầy quê ở Quảng Nam, từ nhỏ cảm nhận được nỗi cơ cực của sự thiếu thốn, nghèo khó, nên đã hun đúc ý chí học chữ để vươn lên. Năm 1990, tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Huế với tấm bằng loại giỏi, thầy vào Gia Lai dạy học được 1 năm, rồi hăm hở vào Nam, chọn Thới Bình làm nơi “gieo mầm xanh tri thức” với việc giảng dạy môn Lịch sử. Thời điểm này, Trường PTTH Thới Bình và Trường THCS thị trấn Thới Bình ghép lại thành Trường Phổ thông cấp 2-3 Thới Bình (năm 1991). Thầy Hoàng Văn Sum là một trong những giáo viên trẻ tâm huyết được bổ sung về trường.

Xuyên suốt chặng đường đã qua, NGƯT Hoàng Văn Sum đã nỗ lực vượt qua biết bao khó khăn, hăng say đóng góp, cùng tập thể xây dựng và phát triển Trường THPT Thới Bình có được cơ ngơi với cảnh quan, cơ sở vật chất khang trang. Ðể đến hôm nay, trường vinh dự được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Sóng đôi cùng niềm vui trường đạt chuẩn là niềm vinh dự xen lẫn tự hào khi thầy là 1 trong 2 nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Cà Mau được “Vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc” năm 2016.

Thầy Sum bộc bạch: “Ðây là động lực lớn, nguồn động viên quý báu để bản thân giữ vững và phát huy thành tích đạt được. Hơn thế, còn là niềm tự hào rất lớn vì nơi tôi “bén duyên, bám rễ” suốt ngần ấy năm, nay đã là ngôi trường thứ 2 trong khối THPT của tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Ðó là kết tinh của bao thế hệ thầy cô giáo, thế hệ học sinh dày công vun đắp cho cả chặng đường gần 40 năm”.

“Trường THPT Thới Bình vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ GD&ÐT; Cờ thi đua xuất sắc, cùng nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 18/11/2016, trường đón nhận quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Thành quả ấy của nhà trường có phần đóng góp không nhỏ của NGƯT Hoàng Văn Sum", thầy Võ Văn Thử, Hiệu trưởng nhà trường, ghi nhận./.

Bài và ảnh: Băng Thanh

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.