(CMO) Kinh tế ngày một phát triển, nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng, trong đó điện là chủ yếu, cũng tăng lên. Thế nhưng, sau thời gian dài khai thác, các nguồn nhiên liệu sẵn có như than đá, dầu mỏ… đang dần cạn kiệt. Trong bối cảnh hiện tại, năng lượng gió, mặt trời được xem là nguồn thay thế tất yếu.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Mục tiêu của chương trình nêu rõ, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý Nhà nước, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực..., tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng... trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đó, để hoàn thành những mục tiêu lớn trên, việc lắp đặt điện mặt trời quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước là một trong những giải pháp tiến tới sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Giải pháp này đang được Sở Công thương và Công ty Điện lực Cà Mau nỗ lực triển khai thời gian qua cũng như trong thời gian tiếp theo. Theo kế hoạch, năm 2020, Công ty Điện lực Cà Mau lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái cho khoảng 400 hộ.
Nhân viên kỹ thuật lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho khách hàng ở Phường 7, TP Cà Mau. |
Chi phí lắp đặt hệ thống ban đầu có thể đối với nhiều người còn cao, nhưng nếu so với khoản tiền điện hàng tháng, cùng với tuổi thọ được bảo hành của hệ thống từ 15-20, thậm chí 25 năm, thì vô cùng rẻ. Ngoài ra, giá trị mang lại không chỉ có tiết kiệm chi phí mà còn nằm ở việc thân thiện với môi trường, không tạo ra tiếng ồn, không phát sinh khí độc hại…
Phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau Thiều Văn Minh cho biết, do được đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia nên khi thừa thì bán lại thông qua công tơ điện đo đếm 2 chiều, nhất là đối với những doanh nghiệp có diện tích mái nhà xưởng lớn.
Mọi người đều có thể trở thành nhà sản xuất điện để bán cho Nhà nước là chuyện trong tầm tay, bởi vùng đất Nam Bộ có nhiều tháng nắng so với tháng mưa. Công ty Điện lực Cà Mau đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, truyền thông tới các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng tiềm năng. “Công ty Điện lực Cà Mau sẵn sàng hỗ trợ tối đa, từ khâu tư vấn, khảo sát thiết kế cho đến lắp đặt điện mặt trời áp mái của người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục đấu nối, kiểm định, ký hợp đồng mua bán điện được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Việc thanh toán tiền điện mua bán lên lưới sẽ theo đúng quy định”, ông Minh khẳng định./.
Bảo Hân