(CMO) Chất lượng nguồn nhân lực rõ ràng không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nó là cả quá trình, đôi khi phải đánh đổi mới có được. Nói như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “phải bỏ ngay tư duy biên chế suốt đời” mới có thể phát triển. Và với người lao động nông thôn, đặc sệt “tính nông dân”, cần phải có liệu pháp để thích ứng, hoà hợp với thời đại hội nhập.
Trong tất cả các hội nghị sơ kết, tổng kết, hàng loạt giải pháp ở cả tầm vĩ mô và cấp thiết được đề ra nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau. Giới hạn bài viết này chỉ nêu ra những cách làm, những câu chuyện đã xảy ra trong thực tiễn tỉnh nhà, thú vị và cũng là gợi ý bổ ích với những nhà hoạch định.
Thay đổi cơ chế tuyển chọn người tài - đức
Câu chuyện về Phó giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau Phạm Thanh Phong là điểm sáng trong đổi mới cơ chế tuyển chọn người xứng đáng, phù hợp với vị trí việc làm. Gắn bó với Đài PT-TH tỉnh từ các vị trí phóng viên, biên tập viên, rồi phó phòng chuyên môn, nếu chiếu theo lẽ thông thường là trình tự, thứ bậc thì còn lâu ông Phong mới nghĩ mình sẽ đảm nhận vị trí phó giám đốc. Nhưng lần đầu tiên… Cái gì cũng có lần đầu tiên, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau thống nhất phương án thi tuyển vị trí phó giám đốc đài. Ông Phong và ứng viên khác phải trải qua các vòng thi phỏng vấn, đề án và hàng loạt yêu cầu bắt buộc khác.
Nói về kỳ thi tuyển vị trí này, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Cà Mau Huỳnh Thị Thanh Loan cho rằng: “Đây là cơ chế dân chủ, khoa học và hết sức công bằng để lựa chọn ứng viên phù hợp nhất”. Nó khác hẳn với câu chuyện quy hoạch, quy trình theo cách thức thông thường. Tất nhiên, việc thí điểm thi tuyển chức danh đã được Cà Mau chuẩn bị rất công phu, tham khảo kinh nghiệm của những địa phương đã triển khai trước đó. Kết quả, ông Phong thi đỗ, một kỳ thi cam go thực sự vào chức danh phó giám đốc với sự hài lòng của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.
Đó là một gợi ý mới mẻ, đầy thuyết phục để có thể nhân rộng trong cơ chế tuyển chọn người tài - đức. Cơ chế thi tuyển sẽ có rớt, có đỗ, có những điều kiện kèm theo, nếu không đáp ứng được đòi hỏi công việc cũng sẽ bị đào thải để người xứng đáng hơn thay thế. Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng: “Đổi mới cần phải có lộ trình, sự chuẩn bị, đặc biệt là với công tác nhân sự. Vấn đề cốt lõi là phải chọn ra những người tốt nhất, đảm đương được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao”.
Nghĩ về quan niệm biên chế là biên chế suốt đời, nó rõ ràng vừa là động lực, vừa là rào cản cho bất kỳ công chức, viên chức nào. Bởi lẽ, khi có biên chế sẽ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến. Và lẽ khác, đó như là “miếng bùa hộ mệnh”, khiến người ta yên tâm rằng vị trí của mình dù thế nào cũng không ai có thể lấy mất. Tuy nhiên, với quyết tâm và những đổi mới của Chính phủ, của hệ thống hành chính hiện nay, câu chuyện biên chế gần như sẽ trở thành vấn đề cần bóc tách và có hướng ứng xử phù hợp. Vẫn cần biên chế, nhưng không có nghĩa đó là biên chế suốt đời, và không có nghĩa biên chế sẽ đồng nghĩa với việc không bị đào thải.
Phải chăng đã đến thời điểm, Cà Mau cần mạnh dạn triển khai và nhân rộng một câu chuyện đẹp về lựa chọn người tài, đức ở nhiều vị trí, công việc ở các cơ quan, đơn vị. Khi đó, người được lựa chọn sẽ là người phù hợp nhất, người giỏi nhất, khao khát cống hiến nhất. Khi đó tất cả mọi ứng viên chấp nhận cạnh tranh công bằng, chấp nhận quy luật đào thải, từ đó tinh thần cầu tiến, vươn lên trong mỗi người thêm mạnh mẽ.
Học sinh Cà Mau được tư vấn về du học tại Tập đoàn ICOGroup - chi nhánh Cà Mau. Ảnh: Hồng Nhung |
Định hướng từ gốc
Anh Lê Minh Sang, quê Đầm Dơi, nhiều năm gắn bó với các khu chế xuất, công nghiệp vùng Đông Nam Bộ, kể rằng: “Công ty, xí nghiệp bây giờ tuyển toàn lao động trẻ, mạnh khoẻ, nhanh nhẹn thôi, chớ tầm ngoài 30 tuổi là bị chê già rồi”. Vậy là dù có đi lao động ở ngoài tỉnh đi nữa, người lao động Cà Mau vẫn phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận quy luật đào thải. Đó là chưa kể, việc hiện đại hoá dây chuyền sản xuất của thời buổi công nghệ 4.0 đang dần bóp lại lượng lao động phổ thông chân tay thuần tuý. Nghĩa là người lao động khó có thể gắn bó và phó thác cuộc đời mình cho những việc làm mang về thu nhập tức thì ở các công ty, xí nghiệp.
Trở lại với khoảng 4 ngàn học sinh Cà Mau bỏ học trong độ tuổi 15, độ tuổi bắt đầu được tính là người lao động, tương lai các em sẽ thế nào nếu cứ lao vào những khu công nghiệp tìm kiếm việc làm chân tay? Rồi dòng người từ Cà Mau đổ lên tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh, nếu một ngày nào đó bị đào thải, khi trở về sẽ mưu sinh bằng cách nào?
Ở các báo cáo ngành quản lý về lực lượng lao động, câu chuyện giải quyết việc làm luôn được tập trung chú ý, bởi lẽ, hàng năm có hàng chục ngàn lao động có công ăn việc làm, nhưng phần đông là việc làm ngoài tỉnh. Và hầu hết trong số đó, người lao động tự mình tìm kiếm việc làm, không thông qua hoặc khước từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền. Điều gì đang diễn ra? Đó là lực lượng lao động Cà Mau quá dồi dào, nhu cầu công ăn việc làm để sinh kế rất lớn. Thế nhưng, công ăn việc làm tại chỗ, một là không đảm bảo cuộc sống, hai là không đủ chỗ cho người lao động. Cũng không thể có nhà hoạch định nào tính toán hết cho hơn 700 ngàn con người một cách thực sự chu toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, trong tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà, đã nêu được những vấn đề rất đáng lưu tâm: Thứ nhất, cần tập trung nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động; Thứ hai, cần gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội; Thứ ba, tiếp tục khuyến khích lao động tự học; Thứ tư, làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và xây dựng xã hội học tập; Thứ năm, cần mở rộng liên kết đào tạo trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế.
Triết lý phương Đông có chân lý: “Ngọc không mài giũa thì không thành ngọc. Người không học thì không hiểu đạo lý”. Căn cơ của lực lượng lao động là con người, và học chính là khởi đầu, nền tảng cho một con người, một xã hội. Học không đồng nghĩa với chuyện học để làm thầy, học để làm quan, mà học để thấy rằng cơ hội để đổi đời, để tìm kiếm được việc làm, để tự nuôi sống mình và vươn lên trong xã hội là mục tiêu không hề xa vời, viển vông. Lâu nay, chúng ta quen nói về những vấn đề vĩ mô, song chính khâu trọng yếu nhất là giáo dục, định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai cho mỗi học sinh trong gia đình, nhà trường và xã hội là chưa thật sự hiệu quả.
Một chuyện vui, chúng tôi hay nghe được, khi trẻ con được người lớn hỏi, sau này con muốn làm gì, các bé như được lập trình sẵn sẽ trả lời: “Mai mốt con muốn làm kỹ sư/bác sĩ/thầy - cô giáo…”. Bởi vậy, khó đổ lỗi cho thực trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay. Còn ở đối cực khác, có những người kiên quyết không cho con học cao, chỉ đủ biết đọc, biết viết, đủ sức làm việc là bỏ ngang. Và sau đó, xã hội phải gồng gánh áp lực về một lực lượng lao động thiếu cả kỹ năng, kiến thức và lý tưởng.
Định hướng phải bắt đầu từ gốc, và như đã nói, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đặc biệt là với lực lượng lao động phổ thông không thể làm trong một sớm một chiều. Cần lộ trình, cần sự kiên trì, quyết tâm. Điều này cộng hưởng với cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực sẵn có, sẽ dần tạo nên những lớp người mới trưởng thành hơn, năng động hơn, có trình độ hơn và sẽ tự quyết được vận mệnh của chính mình. Điều quan trọng hơn là có được nơi để lao động cống hiến và sáng tạo cho đất nước phát triển./.
Phạm Quốc Rin