Không còn chó mèo mắc bệnh dại, sẽ không còn người tử vong vì bệnh dại, là thông điệp mà ngành y tế gửi đến tất cả người dân trên địa bàn tỉnh trước tình hình bệnh dại trên địa bàn đang tăng cao. Với 20 ổ dịch dại, Cà Mau hiện đang là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về số lượng ổ dịch dại gia tăng. Mặc dù hiện tất cả ổ dịch dại đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bùng phát.
Bác sĩ Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Bệnh dại rất nguy hiểm, do tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay. Tính riêng 9 tháng năm 2023, đã có 20 ổ dịch dại trên động vật, nhiều nhất từ trước đến nay. Số lượng này đặt ra không ít thách thức trong công tác phòng, chống bệnh dại của địa phương”.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau, mầm bệnh dại bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào năm 2017, có 1 trường hợp tử vong. Năm 2018 có 5 ca tử vong, 2019 có 4 ca và năm 2020 có 4 ca. Từ năm 2021 đến nay, chưa có ca tử vong do dại. Về tiêm vắc xin và huyết thanh dại trên người thời gian qua cũng được chú trọng, tính riêng năm 2017 đã tiêm 5.536 trường hợp; cao nhất là năm 2020 với 7.170 trường hợp; và 9 tháng 2023 tiêm được 4.570 trường hợp.
Tuy nhiên, qua rà soát, số chó được tiêm vắc xin hiện chưa cao, chỉ đạt 2,27% (năm 2017), tương đương gần 3.400 con; năm 2023, tiêm chỉ đạt 16,34%, tương đương 25 ngàn con.
Nhân viên thú y tiêm ngừa cho chó trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Cà Mau, đánh giá: “Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo chưa đạt theo quy định là 70% so với tổng đàn, nhưng đã được cải thiện qua từng năm, nhất là việc từng bước thực hiện lộ trình tiêm phòng xã hội hoá ở nhiều địa phương. Ý thức của người dân từng bước được nâng cao trong phòng chống bệnh dại trên động vật”.
Hiện tại, tổng đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh rất lớn (ước tính trên 100 ngàn con). Trong khi đó, phong tục người dân nông thôn nuôi chó nhiều nhưng không đăng ký và đa số thả rông ngoài đường; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp, chưa đạt ngưỡng khống chế. Một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, còn tin vào thuốc nam, còn quan điểm lạc hậu (khi bị chó, mèo cắn vẫn còn đi lấy nọc theo cách truyền thống).
“Ngoài ra, việc tiếp cận với vắc xin phòng bệnh dại vẫn còn nhiều hạn chế, ít cơ sở tiêm phòng dại, địa bàn rộng, dân cư không tập trung nên người dân ở xa khó tiếp cận. Giá vắc xin cao so với thu nhập của người dân. Vắc xin phải đấu thầu nên việc cung ứng đến huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn”, Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc cho biết.
Huyện Thới Bình là một trong những địa phương có ổ dại nhiều nhất năm nay.
Bác sĩ Vương Tấn Hiền, Trưởng khoa Phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, trần tình: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 5 ổ dịch dại trên chó với 7 người bị chó dại cắn. Tất cả đều được tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Ðồng thời, phòng tiêm ngừa dịch vụ trung tâm y tế đã tiêm ngừa vắc xin phòng dại cho 422 người bị chó, mèo cào, cắn. Tuy nhiên, một số ổ dịch tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó còn thấp, công tác tiêm phòng trên địa bàn huyện đạt chưa cao. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 19.872 con nhưng kết quả tiêm phòng trong năm 2023 chỉ đạt 6,7% (1.331 con). Do một bộ phận người dân còn suy nghĩ chó, mèo ở nhà nuôi thì sẽ không bị bệnh dại. Chó mèo thả rông nên khó bắt giữ để tiêm phòng”.
Nhiều khẩu hiệu, thông điệp về bệnh dại được tuyên truyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở.
Nhận định tình hình bệnh dại thời gian tới, ông Quách Minh Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: “Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong thời gian tới là rất cao, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển; chó mang vi rút dễ hung dữ hơn, sẽ tấn công người và các con vật khác nhiều hơn. Người dân vẫn còn tập quán nuôi chó thả rông; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp và công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại chưa được thực hiện nghiêm túc, chó hoang vô chủ còn nhiều”.
Do đó, sự phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong phòng chống bệnh dại là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong đó, cần tăng cường giám sát xử lý các ổ dịch dại trên động vật kịp thời; thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế, thú y về công tác giám sát và xử lý ổ dịch dại; ngành thú y cần quản lý chặt đàn chó và tăng tỷ lệ tiêm phòng.
“Tăng cường tiếp cận vắc xin và huyết thanh kháng dại, trong đó, tham mưu UBND hỗ trợ kinh phí mua vắc xin phòng dại, điều trị miễn phí sau phơi nhiễm cho người nghèo. Ðảm bảo, cung ứng nguồn vắc xin, huyết thanh phòng chống bệnh dại trong toàn tỉnh để người dân dễ tiếp cận. Phấn đấu 70% tiêm phòng chó, mèo tại các địa phương. Tất cả người dân khi bị chó, mèo cào, cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại”, Bác sĩ Vương Hữu Tiến nhấn mạnh./.
Ðào Hồng