(CMO) Ung thư nướu răng thường rất dễ khiến cho người bệnh nhầm lẫn với viêm nướu, tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng Khoa khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Ung thư nướu răng xảy ra khi những tế bào vùng nướu răng tăng sinh bất thường. Nếu không được điều trị sớm, những tế bào này còn có thể xâm lấn, di căn đến các cơ quan khác, gây ra những biến chứng nguy hiểm”.
Bác sĩ Khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Đa khoa Cái Nước thăm khám răng cho bệnh nhi. (ảnh minh hoạ)
Theo cảnh báo của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, nếu thấy hiện tượng nướu răng có vết loét và lâu lành thì nên cảnh giác và phải đi thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa càng sớm, càng tốt. Khi đó, phần nướu răng của người bệnh sẽ xuất hiện vết loét, có thể đau hoặc không gây đau. Vết loét làm thay đổi màu sắc của niêm mạc xung quanh và tình trạng viêm loét có thể kéo dài trên 2 tuần.
Ngoài ra, còn xuất hiện khối u ở nướu. Nếu thấy nướu xuất hiện khối u, màu sắc đậm hơn những vùng nướu xung quanh, gây đau và dễ chảy máu… thì người bệnh cần nên chú ý, vì đây rất có thể là triệu chứng của bệnh ung thư nướu răng.
Không những vậy, ung thư nướu còn có các hiện tượng như: Răng bị lung lay; lưỡi bị lở loét; bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng thay đổi vị giác, chảy máu nhiều trong khoang miệng, sưng hạch bạch huyết, sụt cân không rõ nguyên nhân.
TS. Bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: Hiện nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ung thư nướu răng. Tuy nhiên, một số yếu tố có tác động trực tiếp đến nướu răng, rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư nướu như: Những người đeo răng giả không đúng cách, hay nghiến răng; không chăm sóc răng miệng đúng cách; những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc; uống nhiều rượu. Đồng thời, đối với những ai thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không được uống đủ nước thì cũng cần cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
Khoa học đã chỉ ra rằng, bệnh ung thư nướu răng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống trên 3 năm có thể đạt 80%. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phát hiện muộn thì cơ hội sống trên 3 năm chỉ còn là 50%. Do đó, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng với người bệnh.
Thế nhưng, bệnh nhân ung thư nướu răng sống được bao lâu thì hoàn toàn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như người bệnh được phát hiện ở vào giai đoạn bệnh nào, sức khoẻ của người bệnh và các phương pháp điều trị đã áp dụng ra sao.
Hiện nay, các phương pháp điều trị cơ bản vẫn là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị cho những trường hợp bị ung thư nướu răng.
Việc sử dụng chỉ nha khoa, đánh răng bằng bàn chải mềm để làm sạch khoang miệng cũng có tác dụng trong ngăn ngừa viêm nhiễm nướu răng. Song, nếu khi mới phẫu thuật thì không nên súc miệng bằng nước muối, mà chỉ nên súc miệng nhẹ bằng nước thường ở nhiệt độ thích hợp.
Như vậy, bệnh ung thư nướu răng có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp. Nhưng hiệu quả kéo dài sự sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất đó là phát hiện được càng sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh càng cao. Cho nên, nếu có những biểu hiện nghi ngờ thì người bệnh cần phải nhanh chóng đi thăm khám và có phương pháp điều trị sớm nhất có thể./.
Phương Vũ