Cẩm nang dấu hiệu nhận biết và phòng tránh lừa đảo trực tuyến (Cẩm nang), do Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an triển khai xây dựng, nêu ra 11 phương thức, thủ đoạn hiện nay các đối thượng tội phạm hay dùng để thực hiện hành vi lừa đảo.
- Tinh vi thủ đoạn lừa đảo trên mạng
- Cảnh giác lừa đảo cài đặt VneID để chiếm đoạt tài sản
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3, giả mạo Hội Chữ thập đỏ để kêu gọi quyên góp lừa đảo
- Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cha con cùng lãnh án
- Tiện ích đăng ký hồ sơ xe trực tuyến toàn trình
Khi bị lừa đảo trên không gian mạng, bạn sẽ làm gì? (Ảnh minh hoạ)
Đại tá Nguyễn Phúc Cường, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Những năm qua, lừa đảo trực tuyến đã và đang trở thành vấn nạn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đên trật tự an toàn xã hội. Tại Cà Mau, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra vô cùng phức tạp, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an vừa triển khai xây dựng Cẩm nang”.
Theo đó, Cẩm nang nêu ra 11 phương thức, thủ đoạn hiện nay các đối thượng tội phạm hay dùng để thục hiện hành vi lừa đảo là: Lừa đảo mua bán hàng hoá, dịch vụ (vé máy bay, du lịch...) giá rẻ; Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền; Lừa đảo chuẩn hoá thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng...) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại; Giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu, sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online; Giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạng mức tín dụng... sau đó yêu cầu chuyển tiền làm thủ tục; Giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức phát tán tin nhắn SMS Brandname chứa đường dây dẫn truy cập vào các trang website giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải ứng dụng độc hại; Lừa đảo tham gia đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp... sau đó khoá, đánh cắp tài khoản hoặc đánh sập sàn; Lừa đảo tình cảm, sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; Lừa đảo hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; Giả danh cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát, toà án, hải quan), văn phòng luật sư, ngân hàng gọi điện thoại đe doạ, yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; và một số phương thức lừa đảo khác (cho số lô đề, chuyển nhầm tiền, lấy lại tài khoản mạng xã hội, gọi video nhạy cảm để tống tiền...).
Nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh minh hoạ.
Ở mỗi dấu hiệu lừa đảo, trong Cẩm nang có ghi rõ dấu hiệu và đề ra biện pháp phòng tránh để người dân nắm, đề phòng. Ðối với các trường hợp người dân là nạn nhân của vụ lừa đảo trực tuyến thì cần xin sự tư vấn của người thân, bạn bè, đừng ngại ngùng chia sẻ chuyện bản thân đang gặp phải, người bên ngoài có cái nhìn bình tĩnh hơn; đến cơ quan công an gần nhất để nhận được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Liên hệ ngay với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ. Lưu lại thông tin, lịch sử trò chuyện, thông tin trò chuyện, tài khoản ngân hàng để cung cấp cho cơ quan công an. Ðồng thời, cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mà bản thân vừa gặp phải để mọi người phòng ngừa.
“Ðể góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng chống hoạt động lừa đảo trực tuyến, Công an tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt Cẩm nang, gồm 11 phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay, đến cán bộ, đảng viên, người lao động thuộc đơn vị và Nhân dân trên địa bàn biết, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này”, Ðại tá Nguyễn Phúc Cường đề nghị.
Bên cạnh đó, được biết, hiện có 3 Fanpage/Kênh chính thức của Chính phủ (gồm: Facebook (https://fb.com/cschd.gov.vn); TiTok (https//titok.com/@cschd.gov.vn); YouTube (https://youtube.com/@pctpluadaotructuyen) chính thức của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, người dân nên đăng nhập, đăng ký, theo dõi cập nhật thông tin, tình hình, phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng lừa đảo nhằm chủ động phòng tránh./.
Kim Cương