(CMO) Ðã qua hơn 25 năm kể từ ngày cơn bão Linda (bão số 5) đổ bộ vào đất liền nhưng sự khốc liệt, sức tàn phá mà nó gây ra cho vùng đất Cà Mau vẫn còn mãi trong ký ức của những ai đã chứng kiến. Bão đã khiến 1.292 người chết và mất tích, 892 phương tiện tàu thuyền bị hư hỏng, mất tích; tổng thiệt hại về vật chất hơn 2.711 tỷ đồng… Những con số trên là lời cảnh báo về sức tàn phá khốc liệt của thiên tai và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, vùng đất Cà Mau được cảnh báo là nơi đang phải hứng chịu nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH). Bão Linda không phải là cá biệt, mà nhiều năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã trải qua nhiều loại hình thiên tai cũng không kém phần tàn khốc. Gần đây nhất có thể kể đến là thiệt hại nặng nề do hạn hán và sụp lún vào mùa khô năm 2019-2020; rồi đến những tháng cuối năm 2020 tình trạng mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã gây ra tình trạng ngập úng nhiều tuyến đường trên toàn tỉnh, nhất là nội ô TP Cà Mau, gây thiệt hại khá nặng nề.
Có thể thấy, người dân Cà Mau nhiều năm qua đã hứng chịu quá nhiều thiên tai, thường xuyên phải đón bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, xói lở bờ biển, sụp lún đường giao thông nông thôn, hạn hán, xâm nhập mặn… Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhận định, qua theo dõi những năm gần đây cho thấy, các hiện tượng thời tiết đã không còn theo bất cứ một quy luật nào như trước kia. Theo dự báo, thời gian tới những rủi ro thiên tai tiếp tục sẽ gia tăng cả cường độ lẫn tần suất. Trong đó, vùng ven biển, nhất là người dân sống bằng nghề khai thác ven bờ vẫn là nơi có nhiều nguy cơ thiệt hại.
Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên với nhiều khu vực có địa hình, đặc điểm khác nhau cũng khiến việc xây dựng và triển khai các kịch bản thích ứng gặp không ít khó khăn. Như tại khu vực TP Cà Mau, không giáp biển lại bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai chủ yếu là bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn... Ðây là khu vực thường xuyên bị ngập các tuyến đường khi có triều cường, mưa lớn, ảnh hưởng đến việc giao thông đi lại và sinh hoạt, cũng như việc canh tác lúa và rau màu của người dân.
Hiện nay, dọc theo khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng ngàn phương tiện thuỷ gia dụng được cải hoán tham gia khai thác, rất nguy hiểm khi xảy ra mưa bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển. |
Trong khi đó, vùng ngọt hoá thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của Nhân dân, làm sụt lún đất, hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông.
Còn đối với khu vực ven biển, ngoài các loại hình thiên tai là bão, ATNÐ, lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, còn chịu ảnh hưởng của gió mạnh trên biển, gây chìm tàu, thuyền viên bị mất tích, chết, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thuỷ sản.
Như bao lão ngư tại cửa biển Sông Ðốc, với thâm niên hơn 30 năm vượt sóng biển để mưu sinh, ông Nguyễn Văn Quân, Khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, là một những người đã không ít lần chứng kiến sự khốc liệt của thời tiết biển. Ông Quân chia sẻ: "Thời tiết biển khác lắm, biển đang yên phăng phắc nhưng chỉ vài phút là gió lên, sóng nổi. Cũng may mắn cho bà con ngư dân hiện nay là các phương tiện thông tin liên lạc cũng như công tác dự báo, cảnh báo sớm và chính xác, cùng với đó các thiết bị an toàn, kiến thức trong ứng phó với các tình huống thiên tai được trang bị đầy đủ và hiện đại…; nếu không, mức độ nguy hiểm khó ai có thể lường trước".
Dù mức độ rủi ro do thiên tai là rất lớn, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ còn làm tăng những nguy cơ này, trong khi đó điều đáng quan tâm là toàn tỉnh hiện có 41.680 người là đối tượng dễ bị tổn thương và với khoảng 29% số hộ dân có nhà ở thiếu kiên cố rất dễ bị thiệt hại nặng khi xảy ra thiên tai.
Trước những nguy cơ rủi ro thiên tai, thời gian qua, tỉnh ban hành kế hoạch, giải pháp quan trọng về quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, nguy cơ thiên tai vẫn còn là rất lớn, trong đó cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai là một khó khăn lớn nhất do hạn chế về nguồn kinh phí.
Một ví dụ dễ dàng thấy nhất là hiện nay toàn tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 103 km, nhưng mới có gần 52 km được kiên cố hoá và 56 km kè bảo vệ. Hiện tại, nhiều khu vực trên tuyến đê và kè bảo vệ bờ biển luôn trong tình trạng bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường nước biển dâng, còn khu vực bờ biển Ðông gần như chưa có đê. Hay như hệ thống công trình thuỷ lợi phòng chống thiên tai, dù toàn tỉnh đã có 93 tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng với tổng chiều dài 714 km, thế nhưng chỉ có hơn 373 km đủ năng lực chống tràn triệt để, còn lại chủ yếu là chống tràn thời vụ.
Thời gian qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trong đó đã cứng hoá được hơn 51 km đê biển Tây và hơn 55 km kè bảo vệ bờ biển. |
Rủi ro do thiên tai đang lớn dần lên, có nghĩa là cần phải tăng cường hơn nữa nguồn lực cả về tài chính lẫn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu trợ và ứng phó với thiên tai, nhằm cân bằng rủi ro và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng ven biển. Biển hiện nay được xác định là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nghề khai thác biển, du lịch, công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ven biển,… là động lực có thể thúc đẩy và tạo bước đột phá cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để đảm bảo vùng ven biển của tỉnh có thể phát huy tiềm năng kinh tế nhanh, mạnh và an toàn, cần sớm những hành động cụ thể nhằm tăng cường khả năng chống chịu ở các vùng ven biển, với những chương trình, dự án mang tính chiến lược.
Theo đó, trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 4 khâu đột phá. Cụ thể, tập trung xây dựng, phát triển đô thị Sông Ðốc và đô thị Năm Căn trở thành đô thị loại III vào năm 2025; riêng đô thị Sông Ðốc trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại và kinh tế biển của tỉnh. Khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững; phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tập trung chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm điện lực khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển.
Thực hiện được những khâu đột phá này trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh không chỉ giúp người dân trên địa bàn tỉnh thích ứng linh hoạt với thiên tai mà còn mở ra cơ hội để phát triển, và quan trọng nữa là bảo vệ chủ quyền biển đảo./.
Nguyễn Phú