“Hiến máu là hành động mang ý nghĩa nhân văn, ngoài ra, theo tôi đó còn là một sự dũng cảm, vì máu là do cơ thể con người sản xuất ra, không một thiết bị máy móc hay một quốc gia nào có thể tạo ra được. Giọt máu cho đi để đổi lấy sự sống của một người, cũng là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đất nước”, anh Phạm Văn Bằng (sinh năm 1983, ấp Tân Quảng B, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân), điển hình của tỉnh Cà Mau sẽ đến Thủ đô Hà Nội dự lễ vinh danh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024, chia sẻ.
- Các y, bác sĩ Cà Mau tình nguyện hiến máu cứu người
- Gỡ khó việc khan hiếm nguồn máu điều trị
- Tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng
Tích cực, có sự am hiểu và nhiệt tình với phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương là những gì tôi cảm nhận được qua buổi trò chuyện thân mật cùng anh Bằng. Anh bén duyên với phong trào hiến máu tình nguyện khi tham gia dự án “Ứớc mơ của Thuý” do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phát động (đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức, dựa trên câu chuyện có thật từ ước nguyện của Lê Thanh Thuý, bị bệnh ung thư xương, công dân trẻ TP Hồ Chí Minh, nhằm chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhi ung thư, gắn với các hoạt động hiến máu tình nguyện).
Với nhóm máu B và gần 40 lần hiến máu, cùng những đóng góp cho công tác vận động hiến máu tình nguyện tại cơ sở, anh Phạm Văn Bằng được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau chọn là đại diện tham gia lễ Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024, diễn ra trong tháng 6 này tại Thủ đô Hà Nội.
Thời điểm này, anh còn đang là sinh viên tại Trường Ðại học Hồng Bàng, chuyên ngành Trọng tài bóng đá. Phát huy tinh thần của tuổi trẻ, qua 4 năm tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”, anh tiếp tục trở thành lực lượng xung kích, khi các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh thiếu nguồn máu, nếu đủ điều kiện về sức khoẻ, anh sẽ đến hiến máu toàn phần để kịp thời cứu người, không kể giờ giấc.
Với suy nghĩ công tác ở đâu cũng được, miễn là có cống hiến, nên khi tốt nghiệp, sau nhiều năm làm việc ở các tỉnh ngoài, anh Bằng quyết định trở về quê nhà để tiện chăm sóc gia đình và mẹ già. Thời điểm đó, tại huyện Phú Tân hiếm người có được bằng cấp, chuyên môn về lĩnh vực bóng đá, nên anh được tuyển dụng cộng tác cho Trung tâm Văn hoá huyện, tham gia làm trọng tài cho các mùa giải. Ðồng thời, anh cũng là công an viên, kiêm nhiệm Trưởng ban Công tác Mặt trận của ấp Tân Quảng B.
“Tôi nhớ khoảng năm 2009, lúc đó phong trào hiến máu chưa được nhiều người biết đến, vẫn chưa được tổ chức rộng rãi. Ở huyện thì mỗi năm chỉ tổ chức 1 lần, có năm cũng không làm, việc truyền thông hạn chế nên ít người tham gia. Nếu có tổ chức, đa phần là lực lượng cán bộ xã đi hiến. Thấy vậy, tôi chủ động hỏi về thời gian tổ chức để mình cùng tham gia”, anh Bằng nhớ lại.
Với những hiểu biết của mình, thời gian đầu anh tích cực vận động người thân, đặc biệt là các cháu trong gia đình đang là học sinh, sinh viên nên tham gia hoạt động hiến máu tại trường, sau này, anh mở rộng vận động bạn bè, hàng xóm.
Theo anh Bằng, công tác vận động hiến máu tuy dễ mà khó, một phần vì người dân chưa hiểu rõ về lợi ích của hiến máu và ý nghĩa của công tác hiến máu tình nguyện. Nhưng khi đã vận động được một lần, giải thích rõ những lợi ích cho bản thân và cộng đồng thì những lần sau họ sẽ tự giác, thậm chí còn kêu gọi người thân tham gia hiến máu. Công việc lúc này đơn giản, chỉ cần thông tin cho người hiến máu về thời gian tổ chức và dặn dò họ một số lưu ý như không được sử dụng rượu bia, không thức khuya... để đảm bảo sức khoẻ khi đến hiến. Thành quả sau nhiều năm kiên trì vận động, đến nay, mỗi đợt hiến máu tại ấp Tân Quảng B sẽ có hơn 10 tình nguyện viên tham gia và số lượng này mỗi năm đều tăng, nhờ sự lan toả của những tình nguyện viên đã tham gia.
Là cán bộ tại cơ sở anh Bằng còn hăng hái tham gia các hoạt động phong trào do địa phương phát động (Trong ảnh anh Bằng tham gia hội thi tái chế rác thải nhựa).
“Trong quá trình tuyên truyền, mình phải giải thích rõ những lợi ích về mặt sức khoẻ cho người dân hiểu. Với những kiến thức tôi tích luỹ được trong quá trình tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu trên mạng, thì khi lấy ra một lượng máu phù hợp, cơ thể con người sẽ sản xuất ra một lượng máu mới, đồng thời, việc hiến máu sẽ giảm nguy cơ đột quỵ”, anh phân tích.
Hiện tại, anh Phạm Văn Bằng là một trong những thành viên hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ Giọt hồng Ðất Mũi. Trong các chương trình hiến máu, anh thường đảm nhận vai trò hậu cần cho Ban Tổ chức, như hướng dẫn, đọc hồ sơ.
“Khi hiến máu, tôi không nghĩ mình sẽ được đi tuyên dương ở Thủ đô, nhận được sự tin tưởng, ghi nhận của Hội Chữ thập đỏ, tạo điều kiện để tôi có cơ hội gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu trong công tác hiến máu tình nguyện của cả nước, để có dịp học hỏi những kinh nghiệm tuyên truyền, vận động”, anh Bằng chia sẻ.
Chị Phạm Kiều Diễm, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Tân, đánh giá: “Anh Bằng là một trong những người rất nhiệt huyết với công tác hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, trong các hoạt động thiện nguyện do Câu lạc bộ “Giọt hồng Ðất Mũi” đề ra như: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn, anh đều tham gia đóng góp, đồng hành về vật chất lẫn tinh thần. Ðược vinh dự có mặt trong danh sách vinh danh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, tinh thần và nghĩa cử cao đẹp của anh”./.
Hữu Nghĩa