Không trực tiếp tham gia vào công tác khám, chữa bệnh, nhưng các y, bác sĩ hệ dự phòng vẫn đang phải ngày đêm kiên trì bám trụ tại địa bàn, tích cực hướng dẫn Nhân dân phòng, chống dịch bệnh, giám sát phát hiện, khoanh vùng xử lý ổ dịch để dịch bệnh không lây lan rộng, góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cả cộng đồng.
Thời gian gần đây, tại 11/11 xã, thị trấn của huyện Cái Nước đều có bệnh sốt xuất huyết (SXH), tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Hưng, Lương Thế Trân, Tân Hưng Ðông.
Bác sĩ Mai Văn Kha, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp kèm theo mưa bão kéo dài, đồng hành cùng chu kỳ dịch SXH là nguyên nhân khách quan khiến lượng muỗi vằn gây bệnh phát triển mạnh. Song, việc thiếu kiến thức, chủ quan của người dân là nguyên nhân chính khiến bệnh SXH lây lan nhanh.
![]() |
Thành viên Ðội Phòng, chống dịch cơ động phải vác máy phun hoá chất trong thời gian dài. |
Trước thực trạng đó, ngành y tế huyện đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, trong đó tập trung vào việc huy động sự vào cuộc của cộng đồng và công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trợ giúp phun hoá chất trên diện rộng cho những địa phương có số bệnh nhân đông, nhiều ổ dịch như: ấp Bào Bèo (xã Lương Thế Trân), ấp Nghĩa Hiệp (xã Tân Hưng Ðông), ấp Lợi Ðông (xã Hoà Mỹ), ấp Tân Biên và Bào Vũng (xã Tân Hưng)…
Anh Nguyễn Văn Nè, Bí thư Chi bộ ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, cho biết, năm nay tình hình bệnh SXH diễn biến hết sức phức tạp, bệnh xuất hiện trong mùa mưa nên công tác phòng, chống dịch gặp không ít khó khăn. Chi bộ ấp kết hợp với trạm y tế xã thường xuyên thực hiện công tác truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân và áp dụng biện pháp phun xịt hoá chất để xử lý ổ dịch, cho dù là ngày nghỉ hay ngày lễ cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ cho Nhân dân.
Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đã thành lập Ðội Phòng, chống dịch cơ động gồm 21 thành viên, chủ yếu là đội ngũ y, bác sĩ Khoa Kiểm soát dịch bệnh và lực lượng tại các trạm y tế xã, thị trấn, các ấp tham gia làm thành viên.
Trong những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn huyện Cái Nước có gần 500 trường hợp mắc bệnh SXH tại 87 ổ dịch nhỏ, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2015. Theo quy định, mỗi khi phát hiện ổ dịch phải áp dụng các biện pháp xử lý bán kính từ 400 m2, các thành viên Ðội Phòng, chống dịch cơ động phải đến từng nhà kiểm tra các dụng cụ chứa nước, nếu phát hiện lăng quăng thì vận động hộ gia đình loại bỏ, rửa sạch dụng cụ chứa nước, kết hợp nuôi cá bảy màu, đồng thời tiến hành phun hoá chất diệt muỗi liên tiếp 2 lần/tuần. Riêng đối với những khóm, ấp có số ca mắc bệnh cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh, còn phải áp dụng biện pháp phun hoá chất trên diện rộng.
Vì vậy, Ðội Phòng, chống dịch cơ động phải thường xuyên làm việc trong điều kiện vất vả, vác trên vai chiếc máy nặng hơn 20 kg trong nhiều giờ, chưa kể đến việc phải tiếp xúc thời gian dài với mùi thuốc hoá chất nồng nặc. Ðối với những địa bàn rộng khoảng 700 hộ dân, phải huy động từ 8-10 máy, đội chia thành nhiều nhóm nhỏ để phun hoá chất, nhằm ngăn chặn kịp thời nguồn bệnh lan rộng. Ðó là chưa nói đến những khi trời mưa, địa bàn phun hoá chất diệt muỗi nằm sâu trong vùng nông thôn, đường đi lại lầy lội, trơn trượt, công việc xử lý ổ dịch kéo dài đến hơn 20 giờ mới hoàn thành.
Bác sĩ Lê Quang Khang, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Lương Thế Trân, cho biết, ấp Bào Bèo hiện có hơn 700 hộ đang sinh sống không tập trung, diện tích chiếm 1/3 xã. Trạm cùng với ấp tổ chức nhiều đợt vận động bà con diệt muỗi, diệt lăng quăng, thành lập 6 đoàn cấp phát trên 200 tấm cao su cho bà con đậy kín lu, khạp chứa nước, trực tiếp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Ðội Phòng, chống dịch phun hoá chất trên diện rộng trong nhiều ngày liền, tất cả thành viên đều không ngại gian khổ, quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy vất vả, nguy hiểm nhưng họ vẫn làm việc bằng tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả những gì họ làm đều hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc. Chính vì lẽ đó, dù điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực còn khó khăn nhưng Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đã nỗ lực khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ được giao khi mùa bệnh SXH bước vào cao điểm.
Bác sĩ Mai Văn Kha tâm sự: "Khi được phân công quản lý đội, tôi xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ðể hoạt động hiệu quả, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, động viên các thành viên nâng cao ý thức trách nhiệm vì sức khoẻ cộng đồng. Tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm chính là động lực để các thành viên của đội vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Bài và ảnh: Dương Tú