ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 17:46:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhật ký chốt phong toả

Báo Cà Mau (CMO) Sau chốt phong toả ở ấp Ðầu Nai, xã Tân Phú (huyện Thới Bình) và ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên (TP Cà Mau), ngày 9/8 vừa qua, chốt phong toả ở Ấp 12, xã Khánh An (huyện U Minh) được dỡ bỏ trong niềm vui mừng của đông đảo người dân và cả lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo quy định phòng, chống dịch, sau 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì chốt phong toả được dỡ bỏ. 14 ngày, thời gian không dài nhưng đối với “người trong cuộc” chắc hẳn nhiều cảm xúc. Ðó là những ngày mưa dông anh em thay nhau ôm giữ lều; vừa căng thẳng chốt chặn bên ngoài vừa kiểm soát đề phòng bên trong; những nỗi niềm riêng khi nhớ người thân, gia đình; và sự quan tâm, sẻ chia của người dân với nồi cháo nóng, quày chuối chờ chín, mớ cá, mớ rau sau vườn… làm ấm lòng những đêm mưa vắng vẻ.

Những cung bậc ấy được Trung tá Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng Công an xã Khánh An ghi lại trong nhật ký chốt phong toả.

Mở đầu nhật ký là tâm trạng căng thẳng, lo lắng khi mọi người bắt đầu “cuộc chiến” mới: “Ðêm thứ nhất - chúng tôi bật dậy lúc 3 giờ 30 sáng khi nhận được lệnh phong toả khu vực Ấp 12, xã Khánh An. Và đêm nay mới thật sự là một đêm không ngủ, hay nói đúng hơn là không được phép ngủ khi phải vừa chốt chặn bên ngoài vừa kiểm soát đề phòng bên trong… Ðêm nay chúng tôi không ngủ, nhưng chúng tôi chúc mọi người ngủ ngon và bình an”.

Dù đêm khuya, lực lượng trực chốt kiểm soát dịch vẫn không quên nhiệm vụ. (Ảnh chụp tại chốt phong toả Ấp 12, xã Khánh An, huyện U Minh). Ảnh: NGUYỄN BÌNH MINH

“Vì sao anh lại viết nhật ký?”, tôi hỏi. “Mọi chuyện đang diễn ra xung quanh mình đều mới mẻ, chưa từng có tiền lệ. Tôi muốn lưu lại cảm xúc để mãi nhắc nhớ những tháng ngày “chống dịch như chống giặc” cùng đồng đội”, Trung tá Nguyễn Bình Minh bộc bạch.

“Ðêm thứ tư - Mưa rồi... Mưa lớn quá. Gió giật mạnh. Bỗng có tiếng điện đàm của chốt 2: "Alo! Chốt 1 nghe rõ trả lời". Mấy anh em hơi hoảng hốt nhìn nhau. Anh chiến sĩ trẻ nhanh tay cầm bộ đàm trả lời: "Chốt 1 nghe rõ. Có việc gì?". Ðầu bên kia: "Các anh em còn ở đó không, hay bay đi bao xa rồi?”. Anh chiến sĩ nói luôn: "Chúng tôi thì không bay. Nhưng cái lều thì... tuốt vô rừng rồi. Ðịnh chia nhau tìm. Nhưng không bỏ vị trí được. Thôi... để sáng tính". Bên chốt 2 cũng không vừa: "Chúng tôi đang đu người trên lều. Nó sắp bay tới chỗ các đồng chí luôn rồi". Chúng tôi phá lên cười, quên đi cái mệt, quên đi cái lạnh”.

Cà Mau giãn cách nhưng lòng người không xa cách. Những ngày đóng chốt tuy vất vả, nhưng được người dân xung quanh luôn quan tâm, động viên. Nào dừa, chuối, khoai, củ..., mộc mạc, đơn sơ nhưng ấm lòng, tiếp thêm động lực để các anh hoàn thành nhiệm vụ.

“Ðêm thứ năm - Cơn mưa dông vừa tạnh. Khi chúng tôi đang lui cui sắp xếp lại đồ đạc bị gió thổi tung thì có một bác nông dân khoảng ngoài 70, tay xách nách mang tiến về phía chúng tôi, và nói: "Nhà tui ở gần đây, thấy mấy chú bận bịu chiều tới giờ, chắc đói. Có nồi cháo bả mới nấu. Còn nóng đó, các chú ăn đi cho ấm bụng...". Chúng tôi cám ơn bác rồi giở nắp nồi ra... oa... cháo cá lóc. Chúng tôi hỏi tên nhưng bác không nói, chỉ nói "tui thứ Hai". Bác có người bà con đang trong vùng phong toả này, mấy ngày nay bác thường gọi điện động viên. Bác nói: "Tui nghĩ, mấy biện pháp như vầy là rất đúng. Tui thấy dịch bệnh này quá ghê gớm. Nên tất cả mọi người đừng có ỷ y, coi thường”. Không biết là chén cháo cá hay là những lời chia sẻ của bác Hai đã làm chúng tôi ấm lòng... Nếu mọi người đều suy nghĩ như bác thì ngày chiến thắng của chúng ta rất gần... rất gần rồi”.

Trong nhật ký, Trung tá Minh thố lộ mình từng ước mơ làm bác sĩ, rồi cơ duyên thành chiến sĩ, nhưng dù giữ nhiệm vụ gì cũng quyết lòng góp sức cho quê hương. Ðêm thứ 10, cả đội thức trắng, xót thương cho người đồng đội ở phương xa vừa hy sinh. Trung uý Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1995), cán bộ Ðội An ninh Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát thuộc xã Quỳnh Văn thì một chiếc xe tải lưu thông nhanh trên Quốc lộ 1A đã đâm vào anh. “Từ đất U Minh xa xôi, tất cả đều lặng thinh một nỗi niềm tiếc thương đau xót. Anh còn rất trẻ, đang tuổi thanh xuân, sung sức nhất của cuộc đời cũng như sự nghiệp... Anh ngã xuống nhưng tên anh sống mãi/ Với đồng bào, đồng đội và mai sau”.

Lực lượng trực chốt ở các khu vực phong toả tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm Covid-19, do đó, hầu hết anh em không về nhà mà phải ngủ tại đơn vị để đảm bảo an toàn cho người thân. “Nhiều anh em khác cũng như tôi vậy. Nhớ nhà dữ lắm, nhưng mình làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, lỡ về rồi bị gì thì phiền gia đình lắm, nên chỉ đi ngang qua nhìn thôi!”, anh Minh nói. Vợ anh Minh công tác ở Ðội An ninh, Công an TP Cà Mau, vẫn tất bật trực ca làm nhiệm vụ truy vết các F, nên 2 con nhỏ phải gửi nhà nội trông coi. Hoàn thành nhiệm vụ ở chốt phong toả, Trung tá Nguyễn Bình Minh cùng đồng đội tiếp tục “chia lửa” với chốt kiểm soát trên địa bàn xã.

“Ðêm thứ 14 - Kết quả xét nghiệm những người trong khu vực phong toả: âm tính. Mừng rồi. Chúng tôi được về nhà. Nhưng không được ở nhà, chỉ được thăm một tẹo rồi phải lên đường nhận nhiệm vụ mới, có khi còn nặng nề hơn. Một số trực chốt kiểm soát "cửa ngõ", một số tuần tra 24/24... Nhìn gương mặt ai cũng cũ kỹ, mệt mỏi nhưng nhuệ khí chiến đấu vẫn còn nguyên nhé. Bởi vì “cuộc chiến” vẫn còn đó. Chưa thắng được “giặc” thì không thể buông lơi một giây phút, một tình tiết nào dù là nhỏ nhất”.

Nhật ký chốt phong toả của Trung tá Nguyễn Bình Minh đã tái hiện lại hành trình 14 ngày đêm khó quên của các anh. Mỗi người mỗi việc, mỗi trọng trách khác nhau, nhưng họ đều chung một ý nguyện cho sự bình yên của quê hương, đất nước trong thời điểm khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát. Tất cả vì sự an toàn tính mạng của từng người dân.

“Rồi ngày mai khi xoá tan dịch bệnh

Ta trở về với dự định dở dang...

Tôi và anh vẫn sẵn sàng nhiệm vụ

Cho quê hương, cho xứ sở, xóm làng...”

(Trích trong nhật ký của Trung tá Nguyễn Bình Minh)

 

Mộng Thường

 

Nâng tầm y tế cơ sở

Thời gian qua, hệ thống y tế ở địa phương chủ động đầu tư, tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng trong hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Việc đầu tư kỹ thuật mới không chỉ nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho đơn vị y tế mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí trong khám và điều trị bệnh.

Tận tâm với nghề y

24 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Ðặng, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh, làm việc bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình công tác, Bác sĩ Ðặng luôn hết mình vì người bệnh, tận tâm với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trị liệu nghệ thuật

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp sử dụng nghệ thuật như công cụ hữu ích để bệnh nhân cải thiện về tinh thần, cảm xúc, được ứng dụng trong can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Bằng hình thức thực hiện các hoạt động như: vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, âm nhạc và nhảy múa, hay kể chuyện bằng hình ảnh..., trị liệu nghệ thuật được xem như cách chữa lành tâm lý, giúp bệnh nhân cải thiện khả năng điều khiển bàn tay và ngón tay, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.