Sôi nổi các hoạt động
Năm 2023, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tại tỉnh Cà Mau sôi nổi và có nhiều điểm sáng, thu hút được người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm theo dõi. Ðầu tiên là Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm "Ðề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023)’’ chủ đề “Ðất nước gấm hoa”, thu hút hơn 1 ngàn lượt người xem. Song song đó là tổ chức Ngày Sách Việt Nam - Thanh niên với văn hoá đọc, có 800 thí sinh dự thi và thu hút khoảng 2 ngàn đoàn viên, thanh niên, học sinh, giáo viên tham dự, cổ vũ; tuyên truyền, phục vụ tài liệu số trên môi trường mạng đạt gần 2 triệu lượt.
Một dấu ấn nữa là sự kiện Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, với nhiều hoạt động được tổ chức, gồm: phát động hiến tặng hiện vật về chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, tiếp nhận được 136 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan; phối hợp tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn hồi ký “Chiến thắng của ý Ðảng, lòng dân” với 16 bài viết của các tác giả, nhân chứng lịch sử; trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, tư liệu, kỷ vật chiến tranh, phục vụ hơn 3 ngàn lượt khách tham quan và tổ chức 7 cuộc ngoại khoá cho hơn 1 ngàn học sinh từ các trường phổ thông trong tỉnh... Ðặc biệt, lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được tổ chức vào ngày 23/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, có sự tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ Bộ Quốc phòng, Quân khu 9, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đông đảo đại biểu, nhân chứng lịch sử.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh Cà Mau cũng đã xác định tập trung triển khai thực hiện một số chương trình, kế hoạch trọng tâm để thu hút khách du lịch. (Ảnh chụp tại lễ phát động trao tặng hiện vật về chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là).
Năm 2023 cũng là năm đẩy mạnh các hoạt động di sản văn hoá và phát triển văn hoá đọc bằng nhiều phương thức, chương trình. Về lĩnh vực di sản văn hoá, gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật như: có 6 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, bao gồm: đình An Trạch, chùa Ðầu Nai, đình thần Tân Ðức, đình thần Tân Ðịnh, trận đánh bao vây bứt rút Chi khu Năm Căn, Ðịa điểm thành lập lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Cà Mau. Có 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được ghi danh là: “Nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau” và “Lễ hội Vía Bà Thuỷ Long”.
Ngoài ra, Thư viện tỉnh tổ chức phục vụ tại chỗ và truy cập trên môi trường mạng Internet đạt 1.906.652 lượt (tăng hơn 9 lần so với cùng kỳ năm 2022), hỗ trợ sách cho cơ sở 1.900 bản, luân chuyển 9.028 bản (tăng 126,2% so với cùng kỳ).
Hoạt cảnh cải lương “Dấu ấn một chặng đường” được chọn báo cáo điển hình đêm giới thiệu tác giả, tác phẩm. Ðồng thời, Ðoàn Cải lương Hương Tràm tổ chức biểu diễn phục vụ 3 đêm, hơn 1.120 lượt người xem; trên nền tảng mạng xã hội có 14.753 lượt tiếp cận; biểu diễn tuyên truyền văn hoá giao thông phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh, qua 8 suất diễn, khán giả đến xem trực tiếp 109.734 lượt, chia sẻ 1.348 lượt. Ðây là chương trình mới được dàn dựng công phu đã thu hút khá đông các tầng lớp Nhân dân. Cũng trong năm 2023, Cà Mau có 2 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 3 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Một tiểu phẩm tham dự Hội thi Dân vận khéo tỉnh Cà Mau năm 2023.
Song song đó, việc tổ chức thành công Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2023” và Giải Marathon - Cà Mau 2023 Cúp Petrovietnam cũng góp phần vào việc phát triển văn hoá du lịch cho Cà Mau. Giải Marathon - Cà Mau 2023 Cúp Petrovietnam có trên 6.500 vận động viên tham gia thi đấu các cự ly 42 km, 21 km, 10 km, 5 km và 1,2 km, 2,4 km (dành cho trẻ em); thu hút hơn 10 ngàn lượt khách tham quan, du lịch. Ðặc biệt, tạo được sự gắn kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc cùng chung sức tạo sân chơi bổ ích, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rèn luyện thể dục - thể thao để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc và chất lượng cuộc sống.
Ðặc biệt, Festival Tôm 2023 diễn ra từ ngày 10-13/12, tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển, với gần 20 hoạt động được tổ chức trọng thể. Buổi lễ khai mạc có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, trên 1.500 đại biểu, khách mời nguyên là lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khách quốc tế; lãnh đạo Tỉnh uỷ, HÐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện; các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh; phóng viên trong và ngoài nước, cùng hơn 12 ngàn người dân.
Tạo thế vươn mình trong năm 2024
Tỉnh Cà Mau vốn có nhiều tiềm năng về du lịch, văn hoá; các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch vừa được tổ chức thành công trong thời gian gần đây sẽ là tiền đề tốt thu hút đầu tư và phát triển du lịch, văn hoá của tỉnh. Từ năm 2022, tỉnh tổ chức Lễ hội Cua Cà Mau, đến năm 2023 tổ chức Festival Tôm Cà Mau và những hoạt động khác... Ðây là những bước khởi đầu khẳng định thương hiệu và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, Cà Mau là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cùng với hệ thống di sản văn hoá đặc thù, là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá, tâm linh... Với những thế mạnh sẵn có, việc cần làm là phát huy ưu điểm với những kế hoạch và định hướng chuẩn, chắc.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp; gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch, gồm: khai thác có hiệu quả tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau (trải nghiệm, khám phá rừng nguyên sinh, bãi bồi); triển khai thực hiện Ðề án Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi, Ðề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ...
Ông Luân nhấn mạnh: “Các ngành, các cấp cần phối hợp và đẩy mạnh xây dựng, phát triển điểm dừng chân, 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh; đồng thời kết hợp bán quà lưu niệm của địa phương để mang lại hiệu quả tích cực trong việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm và mua sắm của du khách trong nước và quốc tế khi đến Cà Mau”.
Năm 2024, tỉnh xác định tập trung triển khai thực hiện một số chương trình, kế hoạch trọng tâm để thu hút khách du lịch đến với Cà Mau. Ông Nguyễn Minh Luân cho biết: “Thứ nhất, chúng tôi đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” hằng năm với chuỗi các hoạt động, sự kiện đặc trưng và nổi bật như: Sự kiện Hương rừng U Minh, Ngày hội Cua Cà Mau, Giải Marathon Ðất Mũi, Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Lễ Tri ân Quốc Tổ, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ... Thứ hai, chúng tôi cũng xây dựng và triển khai thực hiện Ðề án Phát triển du lịch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch về nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đổi mới phương thức xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Thứ ba là xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch hằng năm với các hoạt động thường niên như: tham gia xúc tiến du lịch tại các hội chợ du lịch, sự kiện du lịch tại các tỉnh, thành phố; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá... Ðặc biệt, phải phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chia sẻ sản phẩm du lịch trên các nền tảng số để du khách và doanh nghiệp dễ dàng tương tác, mua bán sản phẩm, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch trên nền tảng số”./.
Lam Khánh