(CMO) Ngày 9/12, Kỳ họp thứ 15 HĐND khóa IX dành nhiều thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn. Có 16 lượt đại biểu chất vấn liên quan 25 vấn đề được đặt ra. Nghị trường nóng lên với việc nhiều ý kiến tiếp tục tranh luận và đề ra trong khi các ngành đã hứa hẹn xử lý, giải quyết từ những kỳ họp trước nhưng chưa thỏa đáng.
Trong đó, bức xúc nhất vẫn là vấn đề ma túy trong cộng đồng dân cư; tai nạn lao động ngành điện; tín dụng thông qua hụi trên mạng xã hội; đưa nước mặn vào đất rừng tự chuyển mục đích nuôi tôm,… và cả vấn đề hứa hẹn giải quyết phát huy công năng của khu vực ngân hàng đất ở xã trần Thới, huyện Cái Nước sau 4 kỳ họp vẫn chưa chuyển biến.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, tiếp tục giải trình tổng hợp các ý kiến đặt ra trong phiên chất vấn
Qua 4 kỳ họp “ngân hàng đất” vẫn chỉ là tên gọi
Đại biểu Ngô Ngọc Khuê chất vấn: "Đã trải qua 4 kỳ họp HĐND, Giám đốc Sở NN&PTNT vẫn báo cáo trình UBND tỉnh giải pháp đưa khu vực ngân hàng đất vào hoạt động?".
Giải đáp vấn đề này, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Ngân hàng đất thuộc dự án của Ngân hàng thế giới đầu tư từ dự án vốn ODA thuộc Tiểu vùng 10. Diện tích 11 ha. Sở tham mưu đầu tư làm bãi chứa đất để phục vụ lấy đất nạo vét ở khu vực để cung ứng cho Nhân dân sử dụng vào mục đích san lấp.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, qua 4 kỳ họp HĐND tỉnh vấn đề "ngân hàng đất" đến nay vẫn chỉ là tên gọi
Sau khi hình thành, Sở phân công trực tiếp Trung tâm khai thác các công trình thủy lợi quản lý khai thác. Song, thực tế chưa hiệu quả. Hiện đã cho Hải quân Vùng 5 mượn 1 phần diện tích làm nơi chứa đất để phục vụ san lắp mặt bằng cho công trình của đơn vị. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục trình UBND tỉnh đề án kêu gọi đầu tư với mô hình đối tác công – tư. Đồng thời, Sở sẽ tích cực trong công tác quản lý, điều hành để phát huy tính khả dụng của "ngân hàng" này.
Đến 2025 có 1.000 nhà ở xã hội
Giám đốc Sở Xây dựng Dư Minh Hùng cũng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất. Trong đó liên quan đến các nội dung: Quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch xây dựng, đô thị và quy hoạch hệ thống xử lý nước thải cũng như nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ông Dư Minh Hùng thông tin: Hiện Cà Mau còn khoảng 43% người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở tại các đô thị. Nhu cầu lớn nhất ở khu vực thành phố Cà Mau. Năm 2019, xét thấy ở địa bàn thành phố Cà Mau có đến 4.200 hộ có nhu cầu nhà ở, vấn đề này tỉnh và thành phố cần quỹ đất rất lớn. Dự kiến đến 2025, tỉnh cố gắng phát triển được 1.000 nhà ở xã hội để đảm bảo vấn đề này.
Mặt khác, đất, nhà ở cho người thu nhập thấp ở các dự án thương mại tuy có nhiều phân khúc, song vẫn còn cao so với mức thu nhập của người thu nhập thấp ở đô thị do chi phí hạ tầng, phí sử dụng đất,… nên người thu nhập thấp khó mua nhà, đất ở.
Giám đốc Sở Xây dựng Dư Minh Hùng thông tin: Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 giải quyết 1.000 nhà ở xã hội
Về thoát nước, xử lý nước tỉnh đã phê duyệt từ 2009 nhưng sau nhiều lần điều chỉnh chỉ còn một số tuyến ở nội ô chứ chưa phủ khắp địa bàn nội ô thành phố như dự kiến ban đầu. Đến quý 2/2021 sẽ tổ chức đấu thầu dự án.
Về nhà máy xử lý rác, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Từ 2018 UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thanh toán tiền hỗ trợ xử lý rác cho Công ty TNHH MTV TMDV Công Lý khi nhà máy đảm bảo đủ các điều kiện xử lý, chôn lấp dưới 10% mới tiến hành.
Năm 2019 khi hoạt động lại (sau thời gian bảo trì) đến nay vẫn chưa đánh giá được tỷ lệ này nên chưa thể chi. Hiện, tỉnh đã lắp đặt camera giám sát trong nhà máy để theo dõi các khâu xử lý, chôn lấp rác nhưng đến nay vẫn chưa xác định chính xác. Sở cũng đã tham mưu thuê đơn vị chuyên ngành độc lập đánh giá vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
O ép học thêm là thực trạng của ngành
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Luân tại phiên chất vấn. Ông Luân cho hay việc xử lý, kiểm tra Sở cũng đã tiến hành thực hiện, nhiều nhất ở các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm văn hóa. Song, vấn đề khó nhất là việc giáo viên tổ chức dạy theo nhóm, theo hộ gia đình nên rất khó phát hiện.
Song song việc kiểm tra, ngành Giáo dục có nhiều văn bản chấn chỉnh, giao trách nhiệm cho thủ trưởng trường học quản lý đội ngũ giáo viên. Mặt khác, trong thời gian chờ thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt trong đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm các quy định.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Luân thẳng thắn thừa nhận việc o ép học thêm vẫn còn diễn ra
“Song vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vấn đề o ép học sinh học thêm vẫn diễn ra và là thực trạng của ngành”, ông Luân khẳng khái.
Kỳ họp đã dành nhiều thời gian để Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi tiếp tục giải trình các vấn đề liên quan đến nâng cấp đô thị, mở rộng lộ giới; chỉ tiêu tăng trưởng; thu tiền sử dụng đất,…
“Nhìn chung, các vấn đề chất vấn đã được lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh trả lời làm rõ, đi vào trọng tâm, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; nhiều nội dung trả lời chất vấn thể hiện sự cam kết, giải quyết vấn đề đặt ra thời gian tới bằng những giải pháp cụ thể”, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện nhận định./.
Phong Phú