Ðể chủ động trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) bố trí phương án huy động lực lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhân lực, phương tiện, vật tư, nhiên liệu... tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” và huy động tối đa nguồn lực trong dân khi có thiên tai xảy ra.
- Cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai
- Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ”
- Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai
- Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai
Ông Võ Quốc Thống, Bí thư Ðảng uỷ thị trấn, cho biết, ngay từ đầu năm, Ðảng uỷ chỉ đạo, UBND thị trấn đã chủ động rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với các loại thiên tai phổ biến theo các cấp độ rủi ro thiên tai; phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão; tính khả thi, hiệu quả khi triển khai. Theo đó, phổ biến đến các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
Bên cạnh đó, hằng tháng rà soát, thống kê số hộ dân cần di dời, sơ tán; cập nhật cụ thể phương án chi tiết để thực hiện và hiệp đồng chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm đảm bảo huy động ngay lực lượng, phương tiện, vật tư, nhiên liệu và các điều kiện cần thiết khác để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Rà soát, thống kê chính xác số lượng tàu thuyền trên địa bàn, đặc biệt là tàu thuyền đang hoạt động trên biển, kể cả tàu ven bờ, phương tiện thuỷ sản gia dụng tham gia khai thác thuỷ sản về tình trạng hoạt động, thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Rà soát lại khu vực neo đậu tránh trú bão, lập hồ sơ neo đậu với danh sách cụ thể được niêm yết tại những địa điểm gần nơi neo đậu, đảm bảo tất cả các chủ phương tiện biết được vị trí và cách thức neo đậu đảm bảo an toàn.
Thị trấn Sông Ðốc đang cần hỗ trợ nguồn lực để xây dựng thêm các công trình mới cho tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú khi có thiên tai.
Thị trấn cũng tăng cường tuyên truyền, thông tin, cảnh báo đến người dân về tình hình thời tiết, thiên tai, các kế hoạch, phương án cập nhật của tỉnh, huyện, thị trấn thông qua các lớp tập huấn, qua báo đài, mạng Internet, các cuộc họp của khóm, tiếng loa an ninh, loa di động tại các khóm... để người dân biết và chủ động thực hiện khi có thiên tai. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sinh sống ở những khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất, triều cường dâng cao về cách phòng tránh, ứng phó hoặc di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Từ Văn Lợi, Khóm 4, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được chính quyền địa phương tuyên truyền các phương thức phòng tránh và ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Sống ở địa bàn ven biển nên tình hình thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến người dân, vì vậy, những thông tin về tình hình thời tiết, diễn biến mưa bão, triều cường luôn được bà con theo dõi qua trạm truyền thanh, loa di động của thị trấn, cũng như thông tin qua báo, đài, giúp bà con chủ động phòng tránh”.
“Sau mỗi con nước, ghe vào bờ, tôi được chính quyền địa phương đến kiểm tra, nhắc nhở trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị, máy móc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước khi ra biển. Từ đó, tôi thường xuyên kiểm tra các thiết bị trên tàu, xem có hư hỏng không, nếu có thì khắc phục liền, để đảm bảo đủ điều kiện ra khơi đánh bắt. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng thuyền viên, cũng như tài sản của chính mình”, ông Nguyễn Văn Linh, Khóm 9, chia sẻ.
Ðể thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân, thị trấn đã củng cố, kiện toàn Ðội xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) với tổng số 72 người, kịp thời huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó trước, trong và sau thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, mưa dông, gió giật mạnh trên địa bàn đã làm sập mái che của 9 hộ dân và làm xiêu vẹo mái che của 4 hộ, làm ngã đổ cây xanh, ước tính thiệt hại khoảng 67 triệu đồng. Bên cạnh đó là tình trạng ngập cục bộ một số tuyến đường và sân một số trường học, tuy nhiên, nhờ có sự chủ động nên không xảy ra thiệt hại.
Ông Võ Quốc Thống thông tin: “Ðịa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp PCTT và tìm kiếm cứu nạn như: chủ động chằng chống nhà cửa, phòng ngừa nước biển dâng; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi ra khơi hoạt động. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến đê xung yếu, các cống đập, các khu vực cửa sông, cửa biển, nhất là tuyến đê biển Tây để phát hiện và có kế hoạch gia cố, bồi trúc đảm bảo PCTT, chống tràn gây thiệt hại đến sản xuất. Tiếp tục phối hợp với Ðồn Biên phòng Sông Ðốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi ra khơi hoạt động, kiên quyết không cho tàu thuyền ra biển khi chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn theo đúng quy định”.
“Hiện nay, số hộ dân sinh sống ngoài đê biển, vàm... không an toàn còn nhiều, cần phải di dời, nhưng một số khu tái định cư chưa xây dựng xong. Khu neo đậu tàu thuyền chưa đảm bảo so với số tàu của thị trấn và các địa phương khác vào neo đậu khi có bão. Từ đó, kiến nghị các ngành chức năng cho xây dựng thêm các công trình mới, những nơi cần thiết để phục vụ việc neo đậu tàu thuyền như: trụ neo đậu tàu thuyền ở các vàm đê biển Tây, vàm kênh trên tuyến Tắc Thủ - Sông Ðốc. Hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện, công cụ trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Mở lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách PCTT, lực lượng xung kích trên địa bàn thị trấn”, ông Thống kiến nghị./.
Quách Nguyên