(CMO) Cửa biển Sông Đốc có hơn 2.000 phương tiện đánh bắt thuỷ sản. Sau những chuyến ra khơi, ghe thuyền thường tập hợp lại để cạo thôn (cạo sinh vật biển bám vào vỏ tàu) để giảm tải và di chuyển trơn tru hơn, tiết kiệm được nhiên liệu.
Nơi đây có hơn 50 người làm công việc này. Tuy vất vả nhưng đối với họ nghề này đã cho họ miếng cơm manh áo.
Anh Hồ Tuấn Thi (Thi đen) theo nghề đã 10 năm nay. Năm 13 tuổi anh bắt đầu theo cha đi biển. Sau một thời gian đi ghe, đánh lưới ở các tàu, anh nối nghiệp cha làm nghề cạo thôn.
Chông chênh đời biển của các thợ lặn ở Sông Đốc. |
Thường những người cạo thôn làm theo con trăng (con nước), mỗi tháng làm khoảng nửa tháng thì nghỉ. Mỗi lần cạo thôn sẽ được trả công từ 1-2 triệu đồng, tuỳ tàu lớn nhỏ.
Anh Tuấn tâm sự: “Trung bình mỗi lần ghe vô, tôi thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nghề này khá nguy hiểm nhưng lặn gần bờ cũng đỡ lo, nhiều khi cũng bị sự cố máy nén, đứt tay, đứt chân… Nghề này của cha truyền lại, giờ ráng mần chứ không bỏ, khi nào mần hết nổi thì thôi”.
Cha anh Thi là ông Hồ Văn Cảnh (43 tuổi). Đối với ông, nghề thợ lặn như cái gì đó tâm linh níu chân ông bám nghề. Mấy chục năm làm nghề, trải qua nhiều hiểm nguy, ông đã vớt được 5 xác chết trôi.
Ngoài cạo thôn, ông còn nhận tháo chân vịt cho ghe bị sự cố, tháo lên bờ để sửa chữa. Ông Cảnh kể: “Nhiều khi lặn ở ngoài sâu quá thì nước ép mình, như cái lỗ tai bên đây bị nước ép hết nghe được, cũng có khi xỉu ngoài biển…”.
Mưu sinh của họ là những lần lặn biển, đối diện với sóng to gió lớn và nhiều hiểm nguy rình rập./.
Có khi đội lặn biển tháo chân vịt hư hỏng cho các tàu cá lên bờ sửa chữa. |
Đồ nghề quen thuộc của thợ lặn là ống hơi, xẻn để cạo thôn. |
Anh Thi phải trầm mình dưới nước khoảng 20 phút mới ngoi lên một lần. |
Bữa cơm giản dị của những thợ lặn sau một buổi làm việc. |
Nhật Minh Phạm