ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 05:20:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những bước tiến của ngành y

Báo Cà Mau (CMO) Hàng trăm bệnh nhân dù đã ngưng tim, nguy kịch trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tưởng chừng như không thể qua khỏi, đã được cứu sống; hàng chục bệnh nhân ung thư được xạ trị tại địa phương, không còn nỗi lo chuyển viện lên tuyến trên xa xôi để điều trị… Ðó là những thành tựu nổi bật cũng như những kỹ thuật mới mà ngành y tế Cà Mau đã triển khai áp dụng hiệu quả trong thời gian qua.

Công nghệ mới

Còn nhớ như in khoảnh khắc mẹ mình trong cơn thập tử nhất sinh do nhồi máu cơ tim, đã ngưng tim, ngưng thở khi đến bệnh viện mấy ngày trước, chị Trang Thị Út kể lại: “Mẹ tôi năm nay đã 67 tuổi, quê ở ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Bình thường bà vẫn còn khoẻ lắm, không có tiền sử bệnh tim. Lúc ở nhà bà nghe tức ngực, mệt, đưa đến Bệnh viện huyện Cái Nước, bác sĩ kêu chuyển gấp lên Bệnh viện Ða khoa Cà Mau. Khi đi được một đoạn đường, bà đã không còn biết gì nữa. Khi chuyển lên đây đã ngưng tim, ai cũng nghĩ rằng bà đã tử vong, không thể nào sống, nhưng sau khi được các bác sĩ cấp cứu, đặt stent thì bà khoẻ lại và nói chuyện bình thường”.

Ðó là 1 trong số 1.200 trường hợp bệnh nhân trên địa bàn tỉnh được can thiệp tim mạch cứu sống kịp thời nhờ những kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh hơn 2 năm nay.

Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau làm chủ được nhiều công nghệ mới và kỹ thuật tiên tiến trong điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh, phấn khởi: “Cà Mau là đơn vị xa nhất trong khu vực so với các bệnh viện trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do vậy, những trường hợp cấp cứu muốn chuyển viện sẽ mất rất nhiều thời gian, nguy cơ tử vong cao. Vì thế, chiến lược phát triển của tỉnh đã xác định xây dựng xứng tầm bệnh viện tuyến tỉnh, ngang tầm khu vực, thậm chí một số lĩnh vực có thể hơn các bệnh viện trong khu vực”.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngành y tế tỉnh tập trung xây dựng chiến lược một số mũi nhọn đối với những bệnh mang tính cấp cứu nguy hiểm không thể kéo dài thời gian được. Trong đó, điểm sáng là can thiệp mạch vành. Ðây là bệnh lý mang tính cấp thiết, thời gian diễn biến trong vòng 6-12 giờ đầu, nếu không can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Ðể làm được điều này, ngay từ năm 2017, ê kíp thực hiện được cho đi đào tạo từ 2-3 năm, rồi chuẩn bị xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị. Và chính thức ngày 17/1/2020, ca can thiệp mạch vành đầu tiên của tỉnh được tiến hành dưới sự hướng dẫn và chuyển giao của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay đã triển khai thực hiện cho trên 1.200 bệnh nhân, trong số đó có khoảng 1/3 ca (tương đương 400 bệnh nhân) mang tính cấp cứu - đây là những trường hợp nếu không được can thiệp, điều trị, đặt stent sớm tại Cà Mau thì khi chuyển viện lên TP Hồ Chí Minh tỷ lệ tử vong rất cao.

“Thời gian gần đây, những bệnh lý này được điều trị thường xuyên hơn. Số ca đang can thiệp và điều trị trung bình 2-3 ca/ngày. Ngày can thiệp nhiều nhất là 8 ca. Phải nói đây là một bước ngoặt của ngành y tỉnh nói chung, Bệnh viện Ða khoa tỉnh nói riêng, đã đem lại lợi ích lớn cho người bệnh", Bác sĩ Bùi Ðức Văn tâm đắc.

Cùng với đó, nhiều thiết bị, kỹ thuật, công nghệ mới đưa vào chữa trị bệnh nhân cũng được triển khai như đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu cho những bệnh nhân tim mạch.

Nâng chất lượng điều trị

Trên lĩnh vực ngoại khoa, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã có thể thực hiện kỹ thuật thay chỏm xương đùi, trong khi trước đây các trường hợp này hầu hết phải đi tuyến trên; nối thành công bàn tay đứt lìa được 2 ca, hoạt động bình thường 70%. Ðối với ngoại thần kinh, có thể tiến hành mổ sọ não, mổ cột sống… giải quyết được một số trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, vấn đề bệnh lý mạch máu não. Ngoài ra, có thể cấp cứu đột quỵ não triển khai thuốc kháng đông, can thiệp một số trường hợp liên quan đến mạch máu não dưới sự chuyển giao của Bệnh viện Ða khoa quốc tế Cần Thơ. Ðây cũng là thành công rất đáng khích lệ của một bệnh viện thuộc địa bàn vùng xa như Cà Mau.

Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính thứ hai ở ÐBSCL được đưa vào hoạt động tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, giúp người bệnh ung thư điều trị tại địa phương.

Ðiều đáng mừng đối với bệnh nhân ung thư trong tỉnh, trong vòng 6 tháng qua, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã triển khai phương pháp xạ trị. Bác sĩ  CKI Phan Văn Tam, Phó trưởng khoa Ung bướu, cho biết: “Ðây là kỹ thuật điều trị nằm trong Ðề án Bệnh viện vệ tinh của tỉnh Cà Mau và là hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính thứ hai ở ÐBSCL được đưa vào hoạt động. Với địa bàn còn khó khăn như tỉnh Cà Mau, hệ thống cơ sở y tế còn hạn hẹp thì việc tiếp cận, đầu tư và ứng dụng kỹ thuật mới này sẽ là một bước tiến quan trọng đối với ngành y tế tỉnh nhà, giúp bệnh nhân ung thư được điều trị tại địa phương, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian”. Như vậy, hiện nay bệnh viện đã trang bị đầy đủ 3 phương pháp điều trị bệnh nhân ung thư: hoá trị, phẫu trị và xạ trị. Ðây là kết quả cố gắng rất lớn của cả bệnh viện nói chung cũng như của Khoa Ung bướu nói riêng, dưới sự chuyển giao của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

Ði cùng với những kỹ thuật cao được áp dụng, những thiết bị máy móc hiện đại không ngừng được tỉnh đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống xạ trị gần 70 tỷ đồng; hệ thống máy CT 128 lát cắt và hệ thống DSA (ứng dụng chụp mạch số hoá xoá nền trong tim mạch) đều trên 30 tỷ đồng. Ðặc biệt, Ðề án bệnh viện 1.200 giường đã được UBND tỉnh phê duyệt, đang tiến hành xây dựng, khi hoàn thành sẽ hứa hẹn góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả chăm sóc điều trị bệnh nhân tại địa phương lên một tầm cao mới./.

 

Hồng Nhung

 

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.

Vì môi trường không khói thuốc

Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Nguyên nhân và tác hại của thừa cân béo phì ở trẻ em

Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao. Còn béo phì là tình trạng tích luỹ mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ (Theo WHO).