ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 2-5-25 18:04:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những chuyến xe đêm

Báo Cà Mau (CMO) Ngày trước, cách nay cũng chưa lâu, không ai có thể nghĩ rằng những người sống ở huyện của Cà Mau như Thới Bình, U Minh, hay Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi… buổi chiều còn thong dong lo công việc vuông tôm, ruộng rẫy ở nhà, nhưng sáng sớm hôm sau đã có thể có mặt tại Sài Gòn rồi! Giờ thì chuyện ấy thật bình thường. Vẫn khoảng cách địa lý không có gì thay đổi, nhưng đường sá mở rộng và giao thông thuận tiện đã làm cho Cà Mau như gần thêm với thành phố.

Trước đây, mỗi lần có việc phải đi TP Hồ Chí Minh, mà người Cà Mau thường nói là “đi thành phố” thì là cả một chặng đường dài đầy vất vả, nhưng bây giờ, nhiều người đi thành phố như “ăn cơm bữa". Buổi chiều, từ 17 giờ trở đi cho đến khuya là bến xe Cà Mau nhộn nhịp hẳn lên. Dường như bến xe Cà Mau suốt đêm không ngủ. Chiều tối là những chuyến xe liên tục xuất bến đi khắp các tuyến đường ngược lên về hướng thành phố. Từ TP Hồ Chí Minh cho đến các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên, cả miền Trung… Đến hơn nửa đêm về sáng là lần lượt xe chạy chiều ngược lại từ các nơi về bến. Cảnh người đến, người đi, người đưa, đón, rồi các phương tiện chuyên chở như taxi, xe ôm… nối tiếp toả đi về các nơi trong tỉnh tạo cho cảnh bến xe luôn nhộn nhịp. Không thể đếm hết bến Cà Mau có bao nhiêu nhà xe hàng ngày xuất bến chạy trên các tuyến đường của nhiều miền đất nước. Càng nhiều nhà xe thì có nhiều phương tiện, có sự cạnh tranh trong cung cách phục vụ và cung cấp tiện nghi cho hành khách, thì sự đi lại của người dân thêm thuận lợi, dễ dàng. Tốt thôi!

Nếu so sánh bến xe các tỉnh ĐBSCL, thì bến xe Cà Mau thuộc hàng đông đúc và náo nhiệt, chỉ sau Cần Thơ thôi. Bởi nơi đây là điểm cuối tuyến, và là nơi tập trung và phân tuyến khách về các địa phương trong tỉnh. Tôi nhớ ngày xưa, đường về các huyện trong tỉnh, hầu hết là bằng đường sông. Từ người cho đến vật tư, hàng hoá… từ tỉnh về huyện đều chỉ có thể vận chuyển bằng tàu đò, ghe chở hàng… Người ở huyện muốn đi thành phố thì phải mất một đêm ngủ ở Cà Mau để sáng sớm ra bến xe đi thành phố. Ngày ấy xe khách chủ yếu chỉ chạy vào ban ngày, bởi đường sá chưa được mở rộng và còn hư hỏng, khắp nơi đầy ổ trâu, ổ gà, chứ đâu được rộng rãi, thẳng tắp như ngày nay. Khi muốn đi thành phố, nếu như nhà ở các huyện thì làm sao phải có mặt sớm ở tại Cà Mau mới mong kịp mua vé xe. Còn từ thành phố về nhà ở huyện, thì cũng phải ngủ lại TP Cà Mau một đêm, vì xe về đến Cà Mau có sớm lắm cũng đã vào buổi chiều. Giờ đó thì tàu đò, cao tốc… không còn chuyến nào về huyện. 

Cầu Cần Thơ là mạch nối giao thông nhằm rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam sông Hậu, trong đó có Cà Mau. Ảnh: Minh Tấn

Đường từ Cà Mau đi thành phố cứ từng ngày thay đổi theo các giai đoạn nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1. Những chuyến xe từ Cà Mau đi thành phố ngày càng thuận tiện, nhanh hơn về thời gian di chuyển trên đường, và xe cũng lịch sự, tiện nghi, thoải mái hơn… Mốc quan trọng của sự thay đổi này có lẽ là khi những chiếc xe đò thế hệ mới xuất hiện trên cung đường huyết mạch về miền đất cuối cùng của Tổ quốc. Xe đò có máy lạnh, ghế ngã cao cấp…, tiếp đến là loại xe giường nằm, và hiện đã có loại xe giường nằm cao cấp hơn, được mang danh là “chuyên cơ mặt đất”. Đó là xe giường nằm có ngăn từng ô riêng biệt cho khách có khoảng không gian riêng, rất thoải mái. Tôi thấy đa số xe khách đường dài đều chuyển sang chạy vào ban đêm. Điều này hết sức thuận tiện cho hành khách và cả nhà xe. Ví dụ như, cần có mặt ở thành phố một ngày thôi, để đi thăm con đang học ở một trường đại học nào đó ở thành phố, hoặc đi thành phố khám bệnh, hay là đi một việc cần thiết nào đó… buổi tối từ nhà trong huyện vù ra bến Cà Mau lên xe giường nằm, đêm xe chạy thì mình ngủ… Chưa sáng là đã đến thành phố. Có nhà xe còn chiều khách, lo xe đưa đón khách tận nơi đi và nơi đến. Cứ thoải mái đi lo công việc đến tối về lại bến xe theo giờ hẹn là lại tiếp tục cuốc hành trình của chuyến về. Đêm lại ngủ trên xe, trời chưa sáng là đã về đến Cà Mau, ngồi uống cà phê chờ xe buýt để về nhà, còn muốn về nhà sớm thì đi một cuốc xe ôm… Những chuyến đi như vậy giờ chỉ mất vỏn vẹn 1 ngày thôi, so với trước đây phải tốn gấp đôi thời gian đó. Còn nhà xe thì chạy ban đêm rất thuận tiện, đường vắng dễ chạy, thời tiết mát mẻ…

Những chuyến xe kết nối Cà Mau và thành phố cũng như các tỉnh miền Đông có một đặc điểm chung về hành khách, đó là những người con Cà Mau xa quê đi làm ở các nơi. Chuyến xe nào, dù lên thành phố hay trở về Cà Mau, đều có những hành khách xuôi ngược trên hành trình ly hương của mình. Tôi thường đi tuyến đường Cà Mau - Biên Hoà, ít nhất mỗi năm cũng vài lần nên có nhiều trải nghiệm trên những chuyến xe đêm. Nếu là chuyến về quê Cà Mau, là có khi 19 giờ tôi mới có mặt trên xe. Xe xuất bến từ Vĩnh Cửu đã có khách là những công nhân ở khu công nghiệp Thạnh Phú. Những gương mặt còn nguyên vẻ mệt mỏi vừa mới xong một ngày làm việc đã vội vã ra xe về quê… Xe vừa chạy vừa đón khách đã hẹn trước, không bao lâu là đầy khách và thẳng tiến về Cà Mau trong đêm. Đêm trên đường quốc lộ càng về khuya càng yên tĩnh, chỉ có những chuyến xe đêm xuôi ngược trên đường. Khách trên xe hầu hết cũng chìm vào giấc ngủ theo nhịp xe êm. Sông Tiền, sông Hậu không còn phà, xe qua cầu vút qua những ánh đèn chiếu trên cầu Mỹ Thuận, rồi cầu Cần Thơ, nhìn trên sông ánh đèn đêm lấp lánh, nhớ một thời chưa xa những chuyến phà đêm nhộn nhịp và cần mẫn nối 2 bờ sông rộng. Chợt nhận thấy quê hương bao năm đã có một bước phát triển dài, người dân đồng bằng cứ hồn nhiên hoà nhập vào những bước đổi thay ấy. Và tôi cũng vậy! Chưa 4 giờ sáng là xe đã về đến bến Cà Mau, tôi thường đi cuốc xe ôm về Thới Bình, ghé nhà chú em ở thị trấn ngồi uống cà phê nhìn mặt trời lên… Vào mùa học sinh nghỉ hè, những chuyến xe thường có nhiều trẻ con và người già đi kèm. Đó là dịp để ông, bà ở quê đưa cháu lên thăm ba, mẹ tụi nhỏ đi làm ăn xa. Những câu chuyện kể, những mẩu thoại trên xe của những đứa trẻ, đôi khi làm tôi chạnh lòng!

Giao thông trên các tuyến đường bộ càng ngày càng thuận lợi, không chỉ là Cà Mau lên thành phố, mà từ Cà Mau từ đi khắp các vùng miền. Sự kết nối ấy đã tạo thuận lợi cho nhiều mặt của đời sống người dân Cà Mau phát triển theo, khoảng cách với thành phố cũng như với các địa phương không còn xa như trước. 

Nghe thông tin là hệ thống đường cao tốc về miền Tây đang được Nhà nước tập trung chỉ đạo triển khai. Cuối năm 2021 sẽ thông xe đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tiếp đến là tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ xong vào cuối năm 2022. Rồi đến Cần Thơ - Cà Mau. Đến khi nào mới xong tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì chưa có thông tin cụ thể, nhưng khi mỗi một đoạn đường cao tốc nối thành phố và Cà Mau hoàn thành, là thấy Cà Mau lại càng gần thành phố hơn. Tôi cũng như người dân Cà Mau, luôn nghe lòng nôn nao chờ một ngày được ngồi trên chuyến xe chạy trên đường cao tốc suốt tuyến từ thành phố về đến Cà Mau. Mong là ngày ấy không xa…./.

Nguyễn Sông Trẹm

Liên kết hữu ích

Ðầu tư hạ tầng bảo vệ bờ biển, ngăn triều

Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao từng gây ra nhiều thiệt hại trong sản xuất, hạ tầng các công trình, nhất là đường giao thông bị hư hỏng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông... Do đó, đây là loại hình thiên tai cần chủ động phòng từ sớm, từ xa.

Vùng đệm tăng cường bảo vệ rừng

Hằng năm, cứ bước vào cao điểm mùa khô, các lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng lại căng mình canh lửa. Ngoài lực lượng trực tiếp túc trực, người dân vùng ven lâm phần được xem là nhân tố quan trọng canh lửa trong phòng tuyến canh lửa từ sớm, từ xa.

Quỹ Phòng, chống thiên tai - Nguồn trợ lực quan trọng

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) - nguồn kinh phí có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là nguồn ngoài ngân sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc thu quỹ này không đạt theo kế hoạch đề ra, do đang gặp không ít khó khăn.

Bảo vệ rừng - Giám sát, phòng ngừa từ sớm, từ xa

“Mùa khô năm nay tuy không khắc nghiệt như các năm trước, nhưng diễn biến thời tiết khó lường. Thời điểm này, nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Nước mưa làm trôi lớp phèn mặn bám trên cành, lá cây khô, dây leo ở thân tràm, nên khả năng bén lửa nhanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao", ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, lo lắng.

Ðầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai

Di dời, sơ tán dân là một trong những phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là đối với loại hình bão và áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Tuy nhiên, hiện nay số lượng công trình kết hợp tránh trú thiên tai cộng đồng tại một số khu vực chưa đảm bảo, xuống cấp, nhất là tại các khu vực dân cư sống rải rác.

Phòng, chống thiên tai - Phòng vẫn là chính

Là tỉnh ven biển, thường xuyên phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai từ bão, dông lốc, hạn hán, cho đến sạt lở bờ biển và sạt lở đất... Cà Mau xác định, chủ động phòng ngừa là yếu tố cốt lõi để giảm thiểu tổn thất về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn trong khắc phục sạt lở, sụt lún

Như quy luật bất thành văn, ngay khi mùa mưa chưa kết thúc, các địa phương vùng ngọt hoá đã tất bật với những phương án, kế hoạch, kịch bản cho mùa khô hạn. Tính riêng mùa khô 2023-2024, dù địa phương chủ động chuẩn bị, song thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi, đến nay, nhiều nơi vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả.

Hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi kiểm soát xâm nhập mặn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, xâm nhập mặn ở Cà Mau nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 3, tháng 4 tới, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024, thấp hơn các năm 2016 và 2020.

Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 vào sáng 19/3.

Ðồng bộ giải pháp thích ứng

Hạn, mặn không phải là loại hình thiên tai mới trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên diễn biến rất khó lường. Ðể giải quyết bài toán hạn, mặn vào mùa khô, cần có sự kết hợp từ giải pháp công trình cho đến phi công trình. Ðây cũng là hướng đi mà tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt.