(CMO) Trong những năm thực dân Pháp đô hộ nước ta, phong trào đấu tranh chống Pháp của Nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ. Hoà cùng cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, ở Cà Mau, nhiều cuộc biểu tình, khởi nghĩa diễn ra khắp nơi, góp phần cùng với cả nước làm nên dấu son chói lọi Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945, khai sinh nước Việt Nam độc lập.
Hiện nay, Cà Mau có rất nhiều địa điểm di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, cùng nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật còn được lưu trữ tại bảo tàng gợi nhớ dấu son lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, hào hùng của quân và dân Cà Mau.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2022), báo Cà Mau giới thiệu những địa chỉ đỏ thời kỳ chống Pháp trên mảnh đất Cà Mau.
Di tích lịch sử cấp quốc gia và thắng cảnh đảo Hòn Khoai, gồm khu vực Hải Ðăng, Bãi Lớn, Bãi Nhỏ, thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Tại đảo, ngày 13/12/1940, Anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi.
Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể, toạ lạc tại ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Những năm 1938-1940, đây là nơi hội họp của Chi bộ ấp Tân Hưng, Quận uỷ Cà Mau, Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu và trở thành cơ quan Thường trực của Tỉnh uỷ Bạc Liêu.
Di tích cấp quốc gia Ðình Tân Hưng, toạ lạc tại ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Ðêm 1/5/1930, lần đầu tiên lá cờ Ðảng xuất hiện tại đình.
Bia truyền thống Quân giới tại Trường Tiểu học Thái Văn Lung, thị trấn U Minh, huyện U Minh.
Bia truyền thống Sở Giáo dục Nam Bộ tại Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Ðịa điểm trận thảm sát của thực dân Pháp ở kênh Cái Sắn, ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình.
Ngày 19/9/1956, Toà thánh Ngọc Sắc (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) cùng với Nhân dân đấu tranh quyết liệt buộc địch phải trả tự do cho những người bị bắt và hứa tôn trọng tự do tín ngưỡng của Minh Chơn Ðạo.
Huỳnh Lâm thực hiện