(CMO) Trên các tuyến đường phố, các khu dân cư không khó để bắt gặp các trạm, chốt được giới hạn bởi những làn dây chi chít. Ðây là những khu đang tạm thời phong toả, cách ly với cộng đồng. Người dân sinh sống nằm trong khu vực trên đi đứng, ăn uống đều bị giới hạn, nhưng đổi lại họ có cơ hội, thời gian để mở lòng hơn, tình hàng xóm láng giềng thấm đượm hơn bao giờ hết.
Tại Hẻm 234, khu phong toả thuộc Khóm 3, Phường 9, TP Cà Mau vừa được tháo dỡ, mang theo niềm vui của các hộ dân ở đây. Kể về những ngày biệt lập với cộng đồng, mỗi người đều cho rằng đây là trải nghiệm vô cùng khó quên mà không ai mong muốn thử lại.
Ðịnh cư tại Hẻm 234 gần 10 năm, đối với hàng xóm ở đây, anh Trần Bá Ðạt khá thân thuộc. Anh Ðạt chia sẻ: “Khu có nhiều người già lẫn người thuê trọ, cuộc sống không mấy khá giả nhưng lúc nào cũng chan chứa tình nghĩa. Chẳng hạn như trong đợt phong toả, địa phương có hỗ trợ thực phẩm, bà con cùng chia sẻ cho nhau mà sống. Người già neo đơn thì có người trẻ khoẻ mạnh mang đồ đến tận nhà. Ngày thường, những lúc lộ ngập do mưa lớn, hộ khá ra tiền mua vật liệu thì các hộ còn lại ra sức, ra công làm đường, dọn dẹp đâu vào đó. Những chuyện nhỏ vậy thôi mà tôi thấy quý mến hàng xóm của mình lắm”.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ cách ly y tế tại nhà. |
Cũng trong đợt phong toả, anh Ðạt mua trứng, rau củ quả, thịt heo tặng 10 hộ lân cận, giúp đỡ 1 hộ gia đình đối diện đang có người thân nằm viện điều trị. Với anh, những lúc này, từng gói mì, hạt gạo đều hết sức quý giá và giúp người thì không phải chờ có điều kiện hay sang giàu mới làm.
Bà Lại Ngọc Kim, 64 tuổi, hộ đối diện nhà anh Ðạt, thuộc diện khó khăn nay lại càng túng quẫn khi trụ cột chính trong gia đình là chồng bà phải nhập viện điều trị. Nhà bà nằm trong khu phong toả, ông bệnh nằm cô đơn chỉ nhờ sự chăm sóc, thăm hỏi từ các y, bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau.
Bà Kim nghẹn ngào: “Mấy nay bệnh ông trở nặng, tôi thì không làm ra tiền, may mắn được hàng xóm góp tiền được 2 triệu đồng để giúp ổng điều trị. Tôi nhận mà ngại lắm vì sợ không trả nổi ơn. Nhưng trước đó tôi nói với mọi người, xem như tôi mượn số tiền này, khi có điều kiện tôi sẽ trả, mang ơn mọi người nhiều lắm”.
Ngày khu phong toả kết thúc hạn cách ly, trưởng khóm đến tận nhà trao giấy đi đường cho bà Kim qua bệnh viện thăm chồng. Mặc dù những ngày ông điều trị bà đều gọi điện thoại hỏi thăm, nhưng chỉ nghe được tiếng, nay được gặp mặt thì không niềm vui nào tả xiết.
Tại Hẻm 234, việc san sẻ nhau từng cọng rau, trái dưa leo, quả trứng trong lúc khó khăn luôn được mọi người chủ động dù là trong thời gian phong toả hay ngày thường.
Bà Trần Thị Loan, cư dân Hẻm 234, bộc bạch: “Lúc được hỗ trợ thực phẩm, rau củ nhiều, tôi trổ tài làm dưa leo muối tặng mỗi nhà. Làm cũng hơn chục ký, chỉ để lại vài trái ăn, còn lại gửi tặng hết. Mình ăn thì hết chứ hàng xóm ăn thì còn tình, còn nghĩa. Bỏ công ra làm tuy cực nhưng vui”.
Thành quả dưa leo muối được mọi người đón nhận nhiệt tình, cư dân hẻm hứa hẹn sẽ mua thêm dưa qua cho bà Loan dạy nghề muối dưa leo, có thêm những câu chuyện vui sau đó.
Tại Phường 4, một trong những khu vực có nguy cơ cao vì liên tục xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng, những lúc như thế này, lực lượng đoàn viên, thanh niên hoạt động hết công suất để hỗ trợ bà con khu phong toả, hộ cách ly y tế và một số hộ có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Cùng với đó là thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng, lực lượng tuyến đầu chống dịch như: may tai giả, đi chợ hộ, trực chốt, trực khu phong toả, lấy mẫu cộng đồng…
Công việc may tai giả được các bạn tình nguyện viên đảm nhận. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, cùng với dụng cụ sẵn có tại trụ sở UBND phường, hơn 350 cái tai giả hoàn thành, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch thực hiện nhiệm vụ thoải mái hơn khi đeo khẩu trang suốt thời gian dài, giảm áp lực lên vành tai. Cứ 5 phút sẽ có 1 tai giả thành phẩm, với cách làm đơn giản, tình nguyện viên có thể tự làm cho người thân sử dụng, là dụng cụ hỗ trợ đắc lực trong mùa dịch.
Anh Trương Hà Bắc, Bí thư Ðoàn Phường 4, cho biết: “Mỗi khóm sẽ thành lập 1 tổ hỗ trợ Covid để giúp người dân mua thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm và hỗ trợ y tế khi cần thiết. Cùng với đó là giám sát các hộ thực hiện cách ly tại nhà không nằm trong khu vực bị phong toả. Ðể đảm bảo an toàn cho lực lượng tình nguyện viên khi hoạt động tại các khu phong toả, hộ cách ly thì việc tuân thủ 5K cùng giữ khoảng cách an toàn là cần thiết”.
Cũng như những hộ nằm trong khu vực phong toả tại Phường 4, bà Triệu Mỹ Phương (Khóm 2) được địa phương cùng mạnh thường quân liên tục hỗ trợ thực phẩm dùng trong nhiều ngày. Mỗi lần nhận thực phẩm bà bày biện gọn gàng, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội kèm theo lời cảm ơn chân tình, làm ấm lòng người cho và người vận chuyển.
Bà Phương bộc bạch: “Những ngày qua, gia đình tôi nhận được rất nhiều thực phẩm từ rau củ đến gia vị, trái cây, do đó, bữa cơm gia đình cũng phong phú hơn. Cách ly nhưng không cách lòng”./.
Yến Nhi