(CMO) Làm đơn xin thoát nghèo, từ chối không nhận tiền hỗ trợ xây nhà tình thương để nhường lại cho địa phương giúp những hộ còn khó khăn hơn của gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ (Khóm 1, Phường 8, TP Cà Mau) đã điểm tô nét đẹp về ý thức tự thoát nghèo của chính người nghèo. Hay ý chí bám đất, bám quê với mô hình trồng cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt của chị Nguyễn Thanh Kiều, Bí thư Chi đoàn ấp Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) tiêu biểu cho phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Thoát nghèo từ nhận thức tích cực
Thời gian qua, câu chuyện xoá nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau không chỉ được tính toán bằng mức thu nhập bình quân đầu người, sổ chứng nhận hộ nghèo… Mà câu chuyện xoá nghèo bắt nguồn từ ý thức của chính người nghèo và đây là chính là tiền đề quan trọng để công tác xoá nghèo thật sự bền vững.
Phát triển mô hình đa cây, con theo hướng sản xuất hữu cơ mang lại lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng/năm cho nữ cán bộ Đoàn Nguyễn Thanh Kiều. |
Trong căn nhà được mua, sửa chữa từ số tiền tích góp gần 500 triệu đồng, anh Nguyễn Hoàng Vũ không khỏi xúc động khi kể về hành trình vượt khó thoát nghèo và nuôi các con học đại học. Rời quê hương Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu về TP Cà Mau lập nghiệp để các con có điều kiện đi học dễ dàng hơn, không đất, không vốn liếng nên anh chọn công việc làm thợ hồ. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Kim Duyên mua rau, cá bán lại kiếm đồng lời phụ chồng nuôi con. Dù cố gắng nhưng khi cả 3 con đang tuổi ăn tuổi học, với mức thu nhập bấp bênh, gia đình anh Vũ luôn thiếu trước hụt sau và thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Anh Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ: “Nhờ đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, vợ chồng tôi mới có điều kiện nuôi các con vào đại học. Chứ với thu nhập từ công việc làm hồ, tiền lời bán rau, cá đủ ăn là mừng lắm rồi. Cả 3 đứa con tôi đều ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ và cố gắng học tập đã trở thành nguồn động lực lớn giúp vợ chồng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”.
Khi con trai đầu tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, con trai thứ 3 tốt nghiệp đại học y, cuối năm 2016 anh làm đơn xin thoát nghèo với sự ngỡ ngàng của chính quyền địa phương. Anh Vũ tính toán, 2 đứa con lớn ra trường có việc làm, có thu nhập thì phụ cha mẹ lo cho em gái út học Đại học Y khoa Cần Thơ. Anh thì đã có công việc ổn định ở Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Tân Tiến nên làm đơn xin thoát nghèo, không nhận tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình thương để chính quyền địa phương có thể lo cho nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn khác có cơ hội thoát nghèo. Và cũng từ đó, câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ trở thành niềm cảm hứng, tấm gương để nhiều hộ nghèo khác noi theo.
Bám đất làm giàu
Động lực của anh Nguyễn Hoàng Vũ, chị Nguyễn Thị Kim Duyên là giấy chứng nhận gia đình hiếu học và những tấm ảnh chụp các con tốt nghiệp đại học. |
Năm 2017, sau thời gian tìm hiểu, tham khảo các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, chị Nguyễn Thanh Kiều bàn với gia đình phát triển mô hình nuôi cá đồng kết hợp trồng cây ăn trái.
Bắt tay vào thực hiện mô hình, chị Kiều đào 4 ao nuôi cá đồng. Đồng thời, trồng hơn 300 gốc cây ăn trái như cam, bưởi, ổi, xoài, cóc… theo hướng lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa mở rộng quy mô. Sau gần 1 năm, năng suất, chất lượng của vườn cây, ao cá đều đem lại hiệu quả cao nên chị tiếp tục mở rộng quy mô lớn hơn.
Chị Nguyễn Thanh Kiều chia sẻ: "Dưới ao nuôi cá đồng, trên bờ trồng cây ăn trái, những sản phẩm thu hoạch được, tôi mang ra trước nhà để bán cho người dân địa phương". Giá cả ổn định và hơn hết là sản phẩm sạch, không thuốc hoá học nên bà con trong xóm tin tưởng sử dụng trong bữa cơm hàng ngày của gia đình. Đầu ra thuận lợi, ổn định mang về mức thu nhập khoảng 450 triệu đồng/năm cho gia đình chị Nguyễn Thanh Kiều.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, chị Kiều cho biết, hiện nay ngoài bán các loại cá như cá lóc, cá trê, cá rô cùng cam, bưởi, quýt, chị còn thu mua thêm của các bạn đoàn viên thanh niên trong ấp, vừa tăng thêm thu nhập, vừa giúp các bạn tìm đầu ra sản phẩm mà không bị thương lái ép giá. Chị Kiều dự tính sẽ mở rộng quy mô, thả thêm nhiều giống cá có chất lượng, năng suất cao. Đồng thời, trồng thêm bồn bồn để cung cấp sản phẩm sạch cho người dân trong và ngoài xã.
Phó bí thư Xã đoàn Khánh Bình Tây Nguyễn Chí Để cho hay, với tính sáng tạo, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, luôn đi đầu trong việc đưa cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất đã giúp không ít đoàn viên thanh niên làm giàu trên mảnh đất của gia đình. Hiện nay, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn trái của chị Nguyễn Thanh Kiều không chỉ là điển hình cho thanh niên lập nghiệp, làm kinh tế giỏi mà còn là địa chỉ để người dân tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.
Thành công của nữ cán bộ Đoàn Nguyễn Thanh Kiều đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, giúp các bạn thay đổi suy nghĩ ly nông, ly hương mới làm giàu. Phát triển kinh tế với mô hình đa cây, con theo hướng sản xuất hữu cơ sẽ là lựa chọn đúng trong hành trình phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Đây chỉ là 2 trong hàng ngàn câu chuyện bám đất làm giàu của người dân nơi cuối đất. Chính ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại của người dân đã và đang góp phần cùng với các cấp chính quyền xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp dân cư và của chính người nghèo. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 29.537 hộ nghèo, chiếm 9,94%. Với sự chỉ đạo kỳ quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở mang lại kết quả giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (bình quân giảm 1,5%/năm). Cuối năm 2019, toàn tỉnh có 7.699 hộ nghèo, chiếm 2,52%; bình quân giảm 1,9%/năm (khoảng 5.400 hộ). |
Thanh Phương