(CMO) Đường về “lục tỉnh Nam kỳ” giờ không còn luỵ phà. Những chiếc cầu được xây lên không chỉ kết nối giao thông giữa các tỉnh, mà còn tạo nên nét đẹp rất riêng cho "vùng đất chín rồng".
Miền Tây là khu vực hạ nguồn của dòng Mê Kông, với chín nhánh sông tựa như chín con rồng vươn mình ra biển lớn. Cái tên Cửu Long cũng bắt nguồn từ đó, như một cách ví von cho địa hình đặc thù sông nước và hệ thống kênh rạch chằng chịt, giúp đất đai màu mỡ, sản vật trù phú.
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu hiền hoà, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông từ các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh. |
Cầu Vàm Cống (tỉnh An Giang) là một trong những điểm cuối trong dự án kết nối trung tâm ĐBSCL, vừa được thông xe kỹ thuật vào tháng 5/2019. |
"Đường về miền Tây xa, qua bao nhiêu phà bắc", câu hát ám ảnh những ai lần đầu tiên đặt chân đến xứ sở này, bởi những trở ngại trong lưu thông vì những nhánh sông. Hình ảnh những bến phà nhộn nhịp người mua kẻ bán, ngày đêm đưa đón khách, nối hai bờ sông vời vợi đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ. Nó ăn sâu vào tiềm thức của biết bao nhiêu thế hệ người dân địa phương, trở thành nét đặc thù rất riêng cho vùng đồng bằng châu thổ.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển tất yếu của xã hội, những chuyến phà cũng phải đến lúc chuyển giao nhiệm vụ của mình cho những chiếc cầu kiên cố. Cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống... đã tháo gỡ những "nút thắt" giao thông quan trọng, hứa hẹn một vận hội mới cho ĐBSCL trong tiến trình hội nhập và mở cửa.
Không còn cảnh xe xếp dài hàng cây số vì kẹt phà, không còn cảnh thấp thỏm lo sợ khi “luỵ” phà qua sông lớn. Những chiếc cầu đưa vào lưu thông không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, mà còn kết nối những vùng kinh tế quan trọng ở khu vực Tây Nam Bộ với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo diện mạo mới cho "đất chín rồng".
Giờ đây bon bon xe về miền Tây không còn xa lắc xa lơ như trong những câu hát, đồng nghĩa với giấc mơ bao đời của người dân nơi đây đã thành sự thật./.
Lâm Hữu Nghĩa