Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền địa phương và lực lượng công an các xã, thị trấn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cái Nước nêu cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tự nguyện giao nộp dụng cụ xung điện và cam kết không hành nghề xiệt tôm cá trên sông.
- Tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện để xiệt cá
- Xử phạt chủ phương tiện sử dụng kích điện khai thác thuỷ sản
- Tự nguyện giao nộp ngư cụ khai thác trái phép
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong tự nhiên, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền và lực lượng công an các xã, thị trấn đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và “nói không với hành vi dùng công cụ xung kích điện xiệt tôm cá trên sông”. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã nêu cao ý thức chấp hành.
Ðến nay, trên địa bàn huyện có 5 trường hợp tự nguyện giao nộp dụng cụ xung kích điện và cam kết không hành nghề xiệt tôm cá trên sông. Anh Cao Văn Hậu, ấp Cái Chim, xã Trần Thới, 1 trong 5 người dân tự nguyện giao nộp dụng cụ xung kích điện, cho biết, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chưa am hiểu pháp luật nên đã đầu tư dụng cụ và phương tiện vỏ máy gần 20 triệu đồng, hành nghề xiệt tôm cá trên sông để cải thiện kinh tế gia đình. Nay được Công an xã Trần Thới tuyên truyền, vận động, anh đã nhận thức và tự giác giao nộp dụng cụ xung kích điện cho lực lượng chức năng.
“Lúc đầu tôi nghĩ đơn giản, tôm cá dưới sông người ta đặt lú bắt được thì mình xiệt bắt cũng không sao. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và lực lượng công an xã, nhận thấy việc làm này là vi phạm pháp luật, tôi tự giác giao nộp dụng cụ, không hành nghề xiệt tôm cá trên sông nữa”, anh Hậu chia sẻ.
Anh Cao Văn Hậu giao nộp dụng cụ xung kích điện cho Công an xã.
Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Khanh, ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Ðông, tuy không thuộc hộ nghèo, nhưng hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, không đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh. Ðược người quen hướng dẫn, anh đặt mua dụng cụ xung kích điện xiệt tôm cá trên sông để cải thiện cuộc sống gia đình. Sau thời gian mưu sinh nghề xiệt tôm cá trên sông, anh nhận thấy việc làm này không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, có thể xảy ra tai nạn điện bất cứ lúc nào, mà còn huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản trên sông. Theo đó, anh Khanh đã tự nguyện giao nộp dụng cụ xung kích điện cho lực lượng chức năng.
Anh Khanh chia sẻ: “Dùng xung kích điện xiệt tôm cá trên sông rất tác hại đến nguồn lợi, vì chủ yếu bắt tôm cá có trọng lượng lớn, còn tôm cá nhỏ mình không thể vớt bắt được, nó có thể chết. Dẫn chứng như, hôm nay mình đi xiệt tuyến kênh này, vài hôm sau quay trở lại xiệt tiếp thì gần như không bắt được con nào. Ðược chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động gia đình hiểu và tự nguyện giao nộp dụng cụ xiệt điện cho lực lượng chức năng, cam kết không hành nghề này nữa”.
Công an xã Trần Thới thường xuyên phối hợp với chi bộ ấp tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng xung kích điện khai thác thuỷ sản trên sông.
Ðại uý Huỳnh Chí Tiến, Phó trưởng Công an xã Trần Thới, cho biết, ngoài công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, Công an xã còn rà soát, nắm tình hình, phát hiện trên địa bàn xã có 9 trường hợp có nguy cơ dùng xung kích điện xiệt tôm cá trên sông. Theo đó, đã vận động và có 3 trường hợp tự giác giao nộp; xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp, 5 trường hợp còn lại cũng đã làm cam kết.
Ðể bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, công an các xã, thị trấn trong huyện Cái Nước tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp dụng cụ xung kích điện và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, sử dụng dụng cụ huỷ diệt này./.
Huỳnh Việt