(CMO) Xác định việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua, huyện U Minh đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo. Qua đó, các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo đã tác động rất lớn đến việc thay đổi cuộc sống, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản cho biết, qua phân tích, đánh giá của ngành chức năng huyện, có thể nhận thấy rõ những nguyên nhân nghèo như: thiếu vốn sản xuất, thiếu đất, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu lao động, đông người ăn theo, không chí thú, không biết làm ăn và một số hộ lười lao động. Qua khảo sát cho thấy người nghèo cần hỗ trợ tư liệu sản xuất, vay vốn, phương tiện sản xuất, học nghề, tìm việc làm, hướng dẫn làm ăn, trợ cấp xã hội và hỗ trợ nhà ở.
Trên cơ sở đó, huyện U Minh đã bám sát thực tế và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai trên địa bàn huyện. Một trong những chính sách giảm nghèo ưu tiên là hỗ trợ vốn vay, giúp người nghèo tạo cơ sở làm ăn. Tính từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay ưu đãi trên 55 tỷ đồng, qua đó giúp bà con nghèo phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (Ấp 12, xã Khánh Thuận) trồng cải củ đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Song song đó, huyện tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu các nghề thiết thực phục vụ sản xuất và những nghề doanh nghiệp cần tuyển dụng. Ðã tổ chức 78 lớp dạy nghề, đào tạo cho trên 2.000 học viên với các nghề như: chăn nuôi, trồng trọt, may, điện gia dụng, đan giỏ xách, dệt thảm... Qua đào tạo nghề và hỗ trợ vốn cho bà con nghèo phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm trên 14.000 lao động (vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao 50%).
Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: nuôi dê, nuôi heo hướng nạc, trồng màu, làm nghề thủ công… Một số mô hình hiệu quả như: trồng rau an toàn trong nhà lưới ở Ấp 7, xã Khánh Hoà; nuôi cá đồng thâm canh trong ao đất tại Ấp 7, xã Khánh Hội; cơ sở làm cây lau nhà của Hợp tác xã Anh Ðào, xã Nguyễn Phích; trồng cây bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng tại Ấp 14, xã Khánh An; trồng chuối xiêm ở xã Khánh Thuận…
Ông Võ Thanh Tuấn (Ấp 16, xã Nguyễn Phích) thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi gà nòi lai. |
Bên cạnh đó, huyện U Minh còn chú trọng thực hiện nhiều chính sách xã hội đối với người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở… Trong đó, cấp phát 53.479 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; cấp 25.983 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ sinh sống vùng đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển. Xây dựng 1.204 căn nhà tình thương cho người nghèo. Hỗ trợ tiền điện cho 13.700 lượt hộ nghèo, với số tiền trên 7,5 tỷ đồng. Chi trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội trên 2.000 lượt người.
Nếu như năm 2015, huyện có 5.391 hộ nghèo, chiếm 21,69%, thì nay giảm còn 641 hộ nghèo, chiếm 2,46%.
Nhằm tạo cơ hội để hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, huyện U Minh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo cho giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản xác định, giải pháp hàng đầu vẫn là hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Theo đó, đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với những người nghèo, cận nghèo có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất. Tiếp tục cho vay đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo còn dư nợ, có nhu cầu vay vốn bổ sung có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi; phấn đấu để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện bình xét cho vay, quản lý vốn vay, giúp hộ vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Ðẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Triển khai thực hiện chương trình khởi nghiệp thoát nghèo... Phấn đấu mỗi năm giảm 0,5% trở lên hộ nghèo, 0,3% hộ cận nghèo; trong đó, ít nhất 131 hộ nghèo và 79 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới dưới 2% vào năm 2025./.
Huy Toàn