(CMO) 12 tuổi, chị Nguyễn Kiều Oanh đã là “thành viên” của ngôi nhà chung Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Và nay, khi trở thành nhân viên của trung tâm, ngót nghét 12 năm tuổi nghề, chị Oanh gói gọn tâm tình chỉ với 4 từ: “tình người ấm áp”.
Cha chị Oanh là thương binh, mất sớm do vết thương tái phát. Ðông con, mẹ chị đành gửi hai chị em chị nương nhờ nơi này. Ngày đó chị Oanh từng nghĩ mình là trẻ mồ côi. Vì dù còn mẹ, có cả họ hàng, nhưng lễ, Tết không được họ đến đón về sum vầy. Nỗi tủi buồn, trống trải chóng qua, khi ở lâu, chị Oanh cảm nhận sâu sắc tình yêu thương vô điều kiện của những người "cha", người "mẹ" ở đây. Họ sẵn sàng sẻ chia hơi ấm, khóc cười cũng cùng nhau. Với chị, trung tâm là đại gia đình, nơi đã cho chị mái ấm tình thương hơn cả tình thân.
Hiện trung tâm có 2 bé sơ sinh bị bỏ rơi, được các mẹ chăm sóc tận tình, chu đáo. |
Chị kể, học hết cấp 3, chị xin vào làm việc tại trung tâm, đảm trách những công việc mà trước đây chị từng được “cha", "mẹ” chăm sóc mình. Bởi chị thấu hiểu: “Những đứa trẻ ở đây chính là mình khi xưa, nên cần phải yêu thương, chăm sóc và bù đắp cho các con nhiều hơn”. Chị Oanh nhớ như in cảm xúc gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, chưa rụng rốn, được quấn chiếc khăn mỏng manh trong thùng mì hay được đặt trơ trọi ở bụi hoa kiểng trước cổng trung tâm; nhớ tiếng ê, a gọi mẹ không tròn vành của những đứa trẻ khuyết tật…
“Rất nhiều cung bậc cảm xúc không thể tả thành lời. Khi đã là “mẹ” của các con ở đây, tôi mới hiểu tình thương của những người cha, người mẹ khi xưa dành cho mình”, chị Oanh bộc bạch.
Hiện tại, chị Nguyễn Kiều Oanh đã chuyển công tác từ nhà nuôi dưỡng trẻ sang chăm sóc các cụ lớn tuổi. Ở mỗi vị trí, chị càng thêm yêu, thêm gắn bó với trung tâm. Chị cho rằng: “Tình người là thứ ấm áp nhất ở nơi này”. Bởi, nếu chỉ vì vật chất, sẽ không ai có thể hoàn thành tốt những công việc không tên mỗi ngày. Chẳng hạn như việc chăm sóc 49 cụ hiện đang ở trung tâm, đâu chỉ đơn thuần là phục vụ 24/24 việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, vệ sinh cá nhân, mà còn là người bầu bạn với các cụ, hiểu từng tính ý, tâm tư, tình cảm. Chính nhờ vậy mà từ người dưng hoá người thân, có cụ còn nhận chị là cháu ruột, con gái ruột.
Kể đến đây, mắt chị ánh lên niềm vui, hạnh phúc: “Ðứa trẻ mồ côi đã không còn mồ côi kể từ ngày đặt chân đến ngôi nhà này. Kỷ niệm đáng nhớ đời tôi là ngày vu quy, ba Hoàng, mẹ Nguyệt (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc trung tâm) làm chủ hôn, gửi gắm tôi về nhà chồng. Nay tôi đã có hai cháu đang tuổi ăn học”.
Ðến thăm Phòng Nuôi dưỡng trẻ và Giáo dục định hướng, khi các nhân viên ở đây đang tất bật chuẩn bị kế hoạch đón Tết ấm áp cho các con. Chị Trần Thị Út, Trưởng phòng, vui vẻ cho biết, năm nào cũng vậy, trước khi các cụ và các con được gia đình, người thân đến đón về nhà ăn Tết thì trung tâm sẽ tổ chức bữa cơm sum vầy như kiểu sum họp đại gia đình lớn.
“Vui lắm! Vì ngày thường các cháu đi học, nên giờ giấc quản lý nghiêm. Tiệc cuối năm là cơ hội nhiều thế hệ cùng ăn uống, chuyện trò, chúc tụng, giao lưu văn hoá, văn nghệ”, chị Út tâm tình.
“Vậy đối với các cụ neo đơn, hay với các cháu không có điều kiện về nhà ăn Tết thì sao?” - Chị Út cười: "Thiếu tình thân nhưng vẫn ấm áp. Bởi trước và trong những ngày Tết, trung tâm luôn có khách đến chơi. Tức là năm nào cũng vậy, các cấp, các ngành, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện gần xa đều đến thăm, tặng quà Tết. Có khi tổ chức cả sinh hoạt vui chơi, ca hát vui vầy".
Ðặc biệt, đêm giao thừa, các cụ, các cháu ở lại trung tâm sẽ tập trung về hội trường giao lưu, ca hát, thưởng thức bánh, mứt, kẹo ngọt hương vị ngày Tết. Những người vì điều kiện sức khoẻ không đến được thì có nhân viên trung tâm đến thăm hỏi, mở ti-vi xem pháo hoa đón mừng năm mới và chúc Tết, mừng tuổi.
“Dù biết không thể bù đắp đủ sự thiếu thốn tình cảm của một gia đình thực sự, nhưng tất cả mọi người ở đây đều hiểu, đều cảm nhận sâu sắc tình cảm thông qua ánh mắt, cái ôm, cái nắm tay rất chặt. Chúng tôi luôn động viên, cổ vũ họ sống trọn vẹn mỗi ngày”, chị Trần Thị Út bày tỏ.
26 năm làm công việc chăm sóc trẻ, chị Nguyễn Thị Hồng tâm sự: “Ngày Tết chúng tôi cho các con thoải mái vui chơi, hát karaoke. Các cháu lớn có thể ra ngoài chơi cùng bạn bè. Các cháu khuyết tật thì chúng tôi sẽ chơi cùng các con, quây quần ăn bánh, nói đủ thứ chuyện trên đời”.
56 cháu, mỗi cháu một phận đời. Chị Hồng ao ước các con đón tuổi mới nhiều sức khoẻ, bình an, hạnh phúc theo cách các con cảm nhận. “Tôi cầu mong có thật nhiều duyên may để các con có gia đình mới thay thế, dang tay đón nhận các con”, chị Hồng tâm tình.
Chị Trân (32 tuổi), đối tượng được bảo trợ tại trung tâm, cũng phụ đỡ đần các mẹ chăm sóc trẻ. |
Rời Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trong tiếng í ới, réo gọi, vẫy tay chào của các cháu khuyết tật với biết bao cảm xúc đan xen. Bởi dù nơi đây điều kiện cơ sở vật chất đã đủ đầy hơn trước, nhưng sự thiếu vắng tình thân là điều khó có thể bù đắp được. Song, sự cố gắng, nỗ lực, sự tận tuỵ hết lòng của nhân viên, người lao động của trung tâm là niềm an ủi đối với họ. Tuy vậy, vẫn còn niềm trăn trở được gửi gắm, đó là trung tâm mong muốn được phép xây dựng phòng thờ tự người quá cố. Bởi lẽ, trước nay ở trung tâm có ngày sinh nhật cho những đứa trẻ họ Nhân (trẻ bị bỏ rơi được đặt tên họ Nhân, lấy ngày sinh là 1/6); có ngày mừng thọ; ngày họp mặt Tết thường niên là mùng 6 Tết; nhưng lại không có ngày giỗ, hoặc ngày kỷ niệm những người già neo đơn đã mất./.
Băng Thanh