(CMO) Những ngày diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng cũng là những ngày kề cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại Cà Mau, không khí náo nức mừng Ðảng, mừng xuân dâng tràn khắp nẻo. Tìm về địa chỉ đỏ Ðình Tân Hưng - nơi lá cờ đỏ búa liềm của Ðảng lần đầu tung bay trên mảnh đất Cà Mau, cảm xúc tự hào, thiêng liêng vẫn hiện hữu vẹn nguyên. Cũng từ ngày 1/5/1930, khi lá cờ Ðảng tung bay trên vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, quê hương Cà Mau đã thực sự tiến bước vào thời đại Hồ Chí Minh, thoát khỏi đời tối tăm, nô lệ, chiến đấu và chiến thắng trước mọi kẻ thù, dựng xây một cuộc sống hạnh phúc, đẹp giàu.
Ðảng soi sáng tương lai
Ðình Tân Hưng được sắc phong dưới thời vua Tự Ðức, là nơi ghi dấu nhiều biến thiên thời cuộc của vùng đất Cà Mau. Ngôi đền nay toạ lạc tại ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Bí thư Ðảng uỷ xã Phan Hoàng Giang thông tin: “Dù có xuất phát điểm khó khăn nhưng xã Lý Văn Lâm đã vươn lên thành lá cờ đầu trong xây dựng NTM của thành phố, hiện đã cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao”. Ðiều tự hào nhất của xã Lý Văn Lâm, theo ông Giang, chính là truyền thống cách mạng hào hùng được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Trần Văn Nhựt sơ lược về quá trình hình thành của di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng Ðình Tân Hưng của địa phương. Theo đó, Ðình Tân Hưng là nơi lưu dấu thời khẩn hoang, mở đất, lập xóm, lập làng của các bậc tiền nhân tại Cà Mau. Khi Ðảng thành lập vào ngày 3/2/1930, thì đến ngày 1/5/1930 xảy ra một sự kiện chấn động tại Cà Mau. Trên cây dương trước Ðình Tân Hưng, lá cờ đỏ búa liềm cùng dòng chữ “Diệt trừ Pháp tặc” dài 2 m, cao 1 m, có ghi hàng chữ nhỏ “Ngọc - Ðức - Thế” lần đầu xuất hiện. Hàng chữ “Ngọc - Ðức - Thế” là tên lót của 3 đồng chí tiền bối cách mạng ở Cà Mau là Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Ðức Cao và Lương Thế Trân.
Cho đến khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngày 2/2/1946, chúng đánh chiếm Cà Mau. Ðể ngăn cản bước tiến của giặc, củng cố lực lượng, xây dựng hậu phương, Ðình Tân Hưng là nơi hình thành và đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng. Suốt 3 tháng trời ta chiến đấu kiên cường, quân Pháp khiếp vía trước ý chí kiên định, tinh thần quyết tử của quân Việt Minh. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Mặt trận Tân Hưng là dấu son rực rỡ, mở đầu những trang sử vàng chói lọi của thành đồng cách mạng Cà Mau.
Ông Ngô Văn Nhỏ, thành viên Ban Trị sự Ðình Tân Hưng, chia sẻ: “Là người cố cựu ở đây, tôi biết người dân Lý Văn Lâm rất tự hào về Ðình Tân Hưng. Những câu chuyện về sự xuất hiện cờ đỏ búa liềm của Ðảng, rồi Mặt trận Tân Hưng và sau này là những chiến công vang dội thời chống Mỹ, hầu như ai cũng rành, cũng có thể kể lại vanh vách”.
Ðình Tân Hưng là chứng nhân của xã Lý Văn Lâm qua biết bao biến thiên thời cuộc. Từ vùng đất hoang hoá, nê địa, dưới ánh sáng của Ðảng, của cách mạng, trong thời đại Hồ Chí Minh, xã Lý Văn Lâm nay ngày càng thay da đổi thịt.
Ðình Tân Hưng là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia, được công nhận ngày 4/8/1992, trở thành địa chỉ đỏ cách mạng và địa điểm tham quan thú vị của du khách khi về Cà Mau. |
Trọn lòng với Ðảng
Thăm Ðình Tân Hưng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lý Văn Lâm Lý Dũng chia sẻ: “Ðình Tân Hưng là địa chỉ đỏ về nguồn, không chỉ của địa phương, mà còn là của cả Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau. Chúng tôi luôn tự hào, nhưng bản thân từng cán bộ, đảng viên, người dân xã Lý Văn Lâm cũng nhìn vào điều ấy để tự răn mình mà sống sao cho xứng đáng”. Trong những ngày cả nước gởi gắm niềm tin và hướng về Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, ông Dũng bày tỏ: “Tôi tin, Ðại hội Ðảng lần thứ XIII là đại hội của đổi mới, phát triển; đặc biệt là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngăn chặn và xử lý tham nhũng”.
Bí thư Chi bộ ấp Tân Hưng Nguyễn Tấn Vinh cùng các đồng chí trong chi bộ đến thăm, phụ giúp việc dọn cỏ, trang hoàng Ðình Tân Hưng trong những ngày giáp Tết. Theo ông Vinh, việc kết hợp về nguồn và góp sức bảo vệ, chỉnh trang di tích là một trong những nội dung công việc của đảng viên, chi bộ trong chương trình hoạt động thường kỳ. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân ấp Tân Hưng coi Ðình Tân Hưng là tài sản quý báu, là nơi để người xa quê nhớ về nguồn cội. Cũng theo ông Vinh, trong những năm gần đây, Ðình Tân Hưng được trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang, dần trở thành địa chỉ thu hút nhiều khách tham quan khi đến với Cà Mau.
Nói về cuộc sống của người dân ấp Tân Hưng hôm nay, Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Hưng Phạm Minh Triều phấn khởi: “Hơn 300 hộ của ấp, chỉ còn 2 hộ nghèo. Mình sống ở quê hương cách mạng, nơi cờ Ðảng lần đầu xuất hiện ở Cà Mau thì phải phấn đấu cho xứng đáng”. Ông Triều cho biết, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương cũng là một nguồn lực quan trọng để ấp Tân Hưng vươn lên trở thành điểm sáng của xã Lý Văn Lâm trong quá trình phát triển. Ở Tân Hưng, người người luôn trọn lòng tin với Ðảng, với Bác Hồ.
Xã Lý Văn Lâm hôm nay đã là một vùng ngoại ô giàu đẹp của TP Cà Mau. Màu Tết ngập tràn trên các luống dưa hấu, rau màu và ruộng lúa trổ đòng đòng. Người nông dân thoả khát khao làm giàu trên đồng ruộng quê hương, đưa thương hiệu nông sản xã Lý Văn Lâm ngày càng vang xa khắp chốn. Tất cả đều bắt đầu từ khi cờ Ðảng phấp phới tung bay, soi rọi ánh sáng, dẫn lối mở đường để quê hương Lý Văn Lâm đi về phía tương lai tươi đẹp./.
Phạm Quốc Rin