(CMO) “Tôi chắc chắn không ai muốn mình rơi vào đáy vực như vậy. Thay vì đau buồn, trách móc số phận nghiệt ngã thì tôi đã tự mình vươn lên. Đã là cái nghiệp, cái nợ “đời” thì mình phải trả thôi, muốn tránh cũng đâu có được. Khiếm thị tuy khó khăn hơn người bình thường rất nhiều, nhưng mình cứ lạc quan mà đón nhận tự khắc niềm vui, hạnh phúc sẽ đến”, chị Lý Hoàng Đào chắc giọng.
Bi kịch cuộc đời từ… chiếc đèn dầu
Cuối tháng 11, tôi đến gặp chị Lý Hoàng Đào (45 tuổi, người khiếm thị) tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Hải Đăng (toạ lạc tại số 283, đường Nguyễn Công Trứ, Phường 8, TP Cà Mau) để bấm huyệt. Qua tìm hiểu, tôi biết chị Đào là người có hoàn cảnh khá đặc biệt, thật không quá lời để gọi là “bi kịch”.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có 5 anh em (ở ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau), thuở nhỏ chị Đào cũng lành lặn, khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Rồi bỗng một ngày bi kịch ập đến với gia đình chị. Đó là vào một buổi tối của năm 1978 (khi ấy chị Đào tròn 3 tuổi). Sau khi đi nhậu về, một người đàn ông trong xóm đã sang nhà chị Đào hỏi mượn cây đèn dầu để rọi tìm thứ gì đó mà ông vừa đánh rơi. Sau khi cho người hàng xóm mượn đèn dầu, cả gia đình chị Đào đi theo để tìm giúp. Trong lúc mọi người đang theo chân người đàn ông kia thì bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên khiến hàng xóm phải giật thót tim.
Anh Đăng xoa bóp, bấm huyệt cho khách hàng. |
Sau tiếng nổ ấy, 3 người anh trai của chị Đào đã ra đi vĩnh viễn, cha và người anh thứ 2 của chị Đào may mắn thoát chết. Riêng chị và mẹ mình thì bị nhiều thương tích, trong đó có vết thương ở mắt chị. Về phần người đàn ông kia thì bị nổ tan xác, hàng xóm phải lượm lặt những phần thi thể còn sót lại để gia đình chôn cất.
Ngược về ký ức, chị Đào thổn thức: “Gia đình tôi không có thù hằn gì với ông ấy hết. Chẳng qua là do xui rủi thôi, do bom mìn trong chiến tranh còn sót lại. Vụ nổ khiến 3 người anh của tôi chết tại chỗ. Đó thật sự là tấn bi kịch của gia đình khiến tôi khó quên trong ký ức của mình. Do di chứng của vết thương, tôi bị hư vĩnh viễn mắt phải. Vài năm sau, mắt trái của tôi mờ dần rồi mù luôn”.
Gia đình vốn đã nghèo khó nên khi gặp biến cố lại càng khó khăn hơn, đất đai phải bán hết để có tiền chạy chữa vết thương cho chị Đào và mẹ. Sau này, cha chị Đào qua đời vì già yếu, người anh thứ 2 có gia đình riêng rồi cũng qua đời vì bạo bệnh. Chị Đào và mẹ phải bám víu vào nhau, không nghề nghiệp, không sức khoẻ, lại thiếu sinh kế nên 2 mẹ con chị xin vào sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Vài năm sau, mẹ chị cũng qua đời, gia đình 7 người nay chỉ còn lại mình chị Đào với thân thể không lành lặn lẻ loi trên cõi đời.
Cuộc đời chị Đào có quá nhiều bi kịch nhưng chị vẫn lạc quan, quyết không làm gánh nặng cho xã hội. |
Dẫu cho cuộc đời nhẫn tâm cướp đi những người thân của chị, dù có buồn đau nhưng chị Đào vẫn mạnh mẽ vượt qua bi kịch để vươn lên trong cuộc sống. “Ban đầu tôi buồn lắm, nhưng rồi cũng vơi dần. Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội mỗi tháng tôi được trợ cấp hơn 1 triệu đồng. Sau khi trừ tiền cơm, tôi còn khoảng 300.000 đồng để tiêu xài cá nhân”, chị Đào nói.
Với quyết tâm không làm gánh nặng cho xã hội, chị Đào mạnh dạn gặp lãnh đạo trung tâm để xin đi học nghề. Sau khi nắm bắt được nguyện vọng của chị Đào, lãnh đạo trung tâm vui vẻ đồng ý. Rồi chị đi học nghề bấm huyệt, xoa bóp để mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.
Khát vọng tình yêu
Để tránh khách hiểu nhầm cơ sở của mình có kinh doanh cả dịch vụ “nhạy cảm” nên cơ sở bấm huyệt, xoa bóp Hải Đăng có quy định rất rạch ròi: “Khách nam thì nhân viên nam sẽ phục vụ và ngược lại”. Chị Đào giải thích: “Cơ sở có 5 người, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các anh em ở đây đi làm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Người thì đi bán vé số, người bán tăm, bán viết… nên hiện ở đây chỉ có tôi và một bạn nam khác. Nếu bạn nam bận khách mà có khách nam đến thì phải ngồi chờ mặc dù tôi rảnh. Còn nếu đó là khách nữ thì tôi sẽ phục vụ ngay. Nghề này thu nhập không nhiều, nhưng nếu mỗi ngày mình có 1-2 khách thì cũng trang trải cuộc sống được”.
Khi hỏi về chuyện tình cảm lứa đôi và ý định sẽ lập gia đình riêng, chị Đào thật thà: “Lúc tuổi 18 đôi mươi tôi cũng háo hức lắm, cũng muốn có chồng, có con như người ta. Tuy nhiên, do khiếm khuyết về thân thể, cộng với tự ti, mặc cảm nên tôi đã sống khép kín, chẳng có bạn bè gì. Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tôi suốt ngày làm bạn với chiếc radio để nghe tin tức, thời sự chứ không có tình yêu trai gái. Bây giờ lớn tuổi rồi, tôi không muốn có gia đình riêng nữa vì sợ sẽ có thêm gánh nặng về sau”.
Anh Trương Hải Đăng (25 tuổi, ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời - người đứng tên cơ sở Hải Đăng) chia sẻ: “Tuy tôi là người đứng tên nhưng để có cơ sở này, tất cả anh chị em cùng đóng góp vào. Thành quả là của chung, chứ không của riêng ai”.
Không được may mắn như những đứa trẻ khác, từ lúc sinh ra, anh Đăng đã bị khiếm thị. Trong hoàn cảnh ấy, lớn lên anh không được học hành, lại chịu nhiều lời trêu ghẹo từ những đứa trẻ đồng trang lứa. Tưởng chừng như những bất hạnh đó sẽ khiến anh Đăng gục ngã, nhưng không, bằng nghị lực của mình, anh Đăng đã thuyết phục được gia đình cho đi học nghề bấm huyệt, xoa bóp để tự nuôi sống bản thân.
Anh Đăng khoe: “Bây giờ tôi có thể tự nuôi sống mình mà không bám víu vào gia đình. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Lúc mới vô nghề bấm huyệt, xoa bóp tôi bị khách chê vụng về nên cũng có chút buồn, nhưng rồi tôi lại lấy đó làm động lực để phấn đấu vững tay nghề hơn. Giờ làm ai cũng khen hết”.
Chia sẻ về chuyện tình cảm, anh Đăng trầm tư một lúc rồi nói, trước đây anh có quen một cô gái cùng hoàn cảnh. Hai người quen nhau được một thời gian thì chia tay. “Chúng tôi tìm hiểu nhau một thời gian thì nhận thấy mình không hợp nên đã chủ động chia tay. Muốn xây dựng hạnh phúc lâu dài thì phải hoà hợp mới sống với nhau cả đời được. Tuổi này, tôi cũng hừng hực lửa yêu ấy chứ, ngặt nỗi chưa có người hợp ý nên đành chịu đựng”, anh Đăng tâm sự.
Gắn bó với nghề xoa bóp, bấm huyệt đến nay đã hơn 5 năm, anh Đăng từng chứng kiến biết bao lần khách say xỉn có yêu cầu đòi “em út” phục vụ mình “tới bến”. Trong tình huống đó, anh Đăng ân cần, nhẹ nhàng giải thích, cơ sở của anh toàn người khiếm thị, lao động chân chính chứ không hoạt động “mại dâm” trá hình như những cơ sở massage khác.
“Ban đầu khách đặt vấn đề mình khá bất ngờ, có chút bực tức. Song, vì đây là nơi kinh doanh kiếm sống của nhiều anh em khiếm thị nên mình đã từ tốn giải thích, mong khách thông cảm. Dường như thấy được sự chân thật nên khách cũng không đòi hỏi quá đáng. Đó là những khách say xỉn thôi chứ bình thường thì đàng hoàng lắm, có khi là họ thử mình cũng nên”, anh Đăng cười hiền.
Mặc dù đôi mắt không nhìn thấy gì, nhưng những người khiếm thị như anh Đăng, chị Đào lại có cái tâm thật sáng. Họ sống thật thà, trách nhiệm với nghề. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nên rất cần nhận được sự ủng hộ của nhiều người để cơ sở bấm huyệt, xoa bóp Hải Đăng được thêm nhiều người biết đến. Hiện mỗi suất xoa bóp, bấm huyệt tại cơ sở Hải Đăng có giá 80.000 đồng/giờ. Với thái độ phục vụ ân cần, chu đáo và đón tiếp niềm nở nên rất được lòng khách hàng. Khách đến lần đầu chắc chắn sẽ đến lần sau, đó là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho những người khiếm thị như chị Đào, anh Đăng trong việc khẳng định mình dù “tàn nhưng không phế”./.
Quốc Khải