(CMO) Với mong muốn tập hợp, lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của Đảng bộ, quân, dân Cà Mau trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới để làm nơi nghiên cứu, học tập, tham quan… nhằm giáo dục, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, năm 2004, Nhà Truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau được thành lập nằm trong khuôn viên trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đường Trần Văn Thời, Phường 5, TP Cà Mau.
Trong diện tích 200 m2, phòng trưng bày bố trí 2 phần gồm hình ảnh và hiện vật. Phần hình ảnh gồm nhiều mảng như: hình ảnh về cuộc đời và hoạt động của Bác Hồ; đường Trường Sơn cứu nước; hình ảnh Đảng bộ, quân, dân Cà Mau trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia và xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Col 9 ly do đồng chí Phan Ngọc Hiển thu được của tên chúa đảo Hòn Khoai Ôliviê trong sự kiện Khởi nghĩa Hòn Khoai đêm 13/12/1940. |
Với khẩu súng carbine này, vào ngày 8/12/1962, đồng chí Nguyễn Việt Khái đã bắn 8 phát đạn hạ 4 máy bay trực thăng của Mỹ tại xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân). |
Điện thoại của Mỹ sản xuất, ta thu được dùng phục vụ công tác thông tin liên lạc trong những năm kháng chiến. |
Hiện trường Ty Cảnh sát An Xuyên (khu vực Chùa Bà hiện nay) bị nữ biệt động Hồ Thị Kỷ đánh sập ngày 4/4/1970; trong đó có 3 xe quân sự địch bị phá huỷ và nhiều tên ác ôn đền tội, có 1 tên cố vấn Mỹ. |
Khuôn tiện do Xưởng Quân giới Cà Mau mua từ khi thành lập xưởng (năm 1960) và được dùng xuyên suốt đến giải phóng. Nhờ đó, đã sản xuất ra hàng trăm ngàn trái đạn, pháo các loại cung cấp cho chiến trường. |
Cựu chiến binh Xưởng Quân giới Cà Mau giới thiệu những loại vũ khí mà các ông đã phục chế, trưng bày tại Nhà Truyền thống. |
Đạn Lăng-xà-bom, thành quả nổi tiếng của Xưởng Quân giới Cà Mau được nghiên cứu sản xuất thành công từ những ngày đầu thành lập xưởng, dùng để bắn tàu sắt của địch và lập được nhiều chiến công vang dội. |
Một góc trưng bày hình ảnh, hiện vật. |
Đặc biệt, có nhiều hình ảnh tư liệu quý hiếm gắn với sự kiện đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân Cà Mau.
Phần hiện vật gồm một số hiện vật gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu, nhiều nhất là các loại vũ khí tự tạo của Xưởng Quân giới Cà Mau góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Thiếu tá Nguyễn Mỹ Huệ, Chủ nhiệm Nhà Văn hoá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, cho biết, qua gần 13 năm hoạt động, Nhà Truyền thống đón hơn 25.000 lượt khách tham quan; trong đó có nhiều trường học như: Mầm non Hương Tràm, Mầm non Hương Sen, Tiểu học Lý Thường Kiệt, THCS Nguyễn Việt Khái…/.
Huyền Anh