Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Huỳnh Mộng Thuỳ, Bí thư Chi đoàn Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn đi đầu trong các hoạt động và phong trào Ðoàn ở địa phương, được đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) địa phương học tập, noi theo.
Những ngày đầu lập nghiệp, gia đình chị Thuỳ gặp nhiều khó khăn, dù có 1,3 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng do là vùng đất trũng, lại bị nhiễm phèn nặng nên nhiều năm liền sản xuất không hiệu quả.
Chịu khó, ham học hỏi, cộng với sự nhanh nhẹn, năm 2020, chị Thuỳ mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đào ao nuôi ốc bươu đen, nuôi cá đồng và nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức, chị thực hiện mô hình hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng.
Chị Huỳnh Mộng Thuỳ (người ngồi) chia sẻ với ÐVTN về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen khi các bạn đến tham quan mô hình.
Chị Thuỳ chia sẻ: “Sau khi thực hiện mô hình thành công, tôi mạnh dạn đăng ký với Xã đoàn và Huyện đoàn để triển khai thực hiện mô hình nuôi cá đồng, ốc bươu đen kết hợp trồng màu ứng dụng công nghệ vi sinh cho đoàn viên trong ấp và các ấp khác trên địa bàn xã cùng thực hiện”.
Qua khảo sát, đầu năm 2023, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Xã đoàn và UBND xã Khánh Lâm triển khai thực hiện Dự án nuôi ốc bươu đen, cá đồng kết hợp trồng rau màu do Huyện đoàn làm chủ nhiệm, thực hiện tại Ấp 2, Ấp 3 và Ấp 4, xã Khánh Lâm, có 5 ÐVTN tham gia, diện tích khoảng 5 ha. Kinh phí thực hiện mô hình hơn 616 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khoa học - công nghệ của huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại đối ứng trong ÐVTN. Sau một năm triển khai thực hiện, nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ các ngành chuyên môn, ÐVTN tham gia thực hiện mô hình đạt hiệu quả.
Chị Thuỳ cho biết: “Sau thời gian thực hiện, hiện nay mô hình đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây định hướng chỉ nuôi cá và ốc thương phẩm, nay các bạn phát triển theo hướng nuôi sinh sản, nhân giống cá và ốc để bán cho người dân địa phương nên thu nhập cũng cao hơn trước. Hiện trung bình mỗi tháng một bạn có thu nhập từ 7-10 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm sản xuất được từ mô hình”.
Từ thành công trên, hiện nay ÐVTN đang triển khai bước đi mới là thực hiện mô hình ốc gác bếp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến những thị trường lớn hơn, thậm chí là xuất khẩu. Hiện mô hình nuôi ốc bươu đen, cá đồng, kết hợp trồng màu ứng dụng công nghệ vi sinh của chị Huỳnh Mộng Thuỳ và các ÐVTN trên địa bàn xã đang được huyện U Minh chọn nhân rộng cho ÐVTN trên địa bàn huyện trong năm 2024.
Chị Huỳnh Mộng Thuỳ (người cầm vợt vớt ốc) tích cực hướng dẫn ĐVTN về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen khi các bạn đến tham quan mô hình.
Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Thuỳ còn sắp xếp thời gian hợp lý để vừa làm tốt công tác Ðoàn, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan và tham gia tốt các phong trào do địa phương phát động.
Chị Lâm Thị Tuyết Huệ, Bí thư Xã đoàn Khánh Lâm, đánh giá: “Hơn 10 năm qua, với vai trò Bí thư Chi đoàn Ấp 2, đồng chí Huỳnh Mộng Thuỳ luôn nêu gương sáng cho ÐVTN; triển khai, thực hiện đa dạng các phong trào, hoạt động do Ðoàn cấp trên phát động, nhiệt tình công tác, có trách nhiệm, không ngại khó khăn. Bên cạnh đó, đồng chí còn thường xuyên tập hợp ÐVTN để triển khai, hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
Với những kết quả đạt được, chị Huỳnh Mộng Thuỳ không chỉ là Bí thư Chi đoàn gương mẫu mà còn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 năm liền (2018-2023). Năm 2022, chị Thuỳ được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen Bí thư Chi đoàn tiêu biểu và tuyên dương Ðoàn viên khởi nghiệp tiêu biểu; Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong thi đua xây dựng mô hình dân vận khéo, với mô hình “Nuôi ốc bươu đen ứng dụng công nghệ vi sinh”./.
T.Thể