Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã nỗ lực kiểm soát thị trường, đảm bảo ổn định thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.
- Cảnh báo đối tượng giả danh Quản lý thị trường Cà Mau
- Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra dịp lễ
- Năm 2023, quản lý thị trường xử lý 1.660 vụ vi phạm
- Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm
Ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết, thời gian qua, lực lượng QLTT đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch, nội dung chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh trong lĩnh vực đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT. Ðồng thời, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bình ổn thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá hợp pháp lưu thông, giữ vững ổn định an ninh - chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, trong năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 930 vụ, phát hiện vi phạm hành chính 540 vụ/642 hành vi. Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 5,7 tỷ đồng, đạt 163,17% chỉ tiêu thi đua Tổng cục QLTT giao, đạt 158,6% kế hoạch phấn đấu năm. Trong đó, nộp ngân sách Trung ương hơn 3,2 tỷ đồng; nộp ngân sách địa phương trên 2,5 tỷ đồng. Qua kết quả kiểm tra, các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hoá; hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm...
Lực lượng QLTT tỉnh tăng cường kiểm tra, đảm bảo ổn định thị trường và quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh do Cục QLTT tỉnh cung cấp)
Nổi bật, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt 5 tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử (TMÐT), xử phạt vi phạm hành chính gần 2,6 tỷ đồng (xử phạt hành chính 231 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp gần 2,36 tỷ đồng). Trong đó, điển hình là vụ phát hiện, kiểm tra, xử lý một hộ kinh doanh ở TP Cà Mau kinh doanh Online bằng hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội, thu giữ 10 tấn hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu gồm: quần áo may sẵn, túi xách các loại, mỹ phẩm... Theo đó, QLTT tỉnh đã chuyển Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 141 triệu đồng, buộc nộp lại lợi nhuận bất hợp pháp với số tiền trên 2,35 tỷ đồng.
Dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng QLTT tỉnh đã cùng thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, vi phạm về TMÐT, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... Trong đó, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như: hàng điện tử, điện lạnh, vàng, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống...
Ông Huỳnh Vũ Phong cho biết: “Thời gian tới, đơn vị QLTT tỉnh sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, địa phương. Trong đó, xây dựng và ban hành các kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề để tổ chức thực hiện công tác QLTT, ngăn chặn các hành vi vi phạm, ổn định thị trường, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cao điểm lễ, Tết. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các hàng hoá thiết yếu có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân".
Theo ông Phong, để công tác QLTT ngày càng hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cải thiện môi trường kinh doanh, cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật, kỹ năng phân tích và phát hiện vi phạm, kỹ năng thu thập và phân tích xử lý vi phạm trong TMÐT cho lực lượng QLTT... Qua đó, góp phần đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trong hoạt động TMÐT trong tình hình mới./.
Hồng Nhung