ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 22-1-25 13:47:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ổn định thị trường, vì quyền lợi người tiêu dùng

Báo Cà Mau (CMO) Nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện các cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục QLTT Cà Mau.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đội quản lý thị trường kiểm tra tổng số 581 vụ, phát hiện vi phạm hành chính 165 vụ. Ảnh: VĂN ÐUM

- Ông có thể cho biết kết quả hoạt động kiểm tra liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm?

Ông Huỳnh Vũ Phong: Cà Mau không nằm ngoài tình hình chung của cả nước, đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc thực hiện giãn cách xã hội của nhiều địa phương và hạn chế di chuyển ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của các tỉnh.

Cung - cầu, giá cả một số mặt hàng thời gian qua biến động mạnh, như giá thép, giá vật liệu xây dựng; một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm cũng phù hợp với quy luật cung, cầu của thị trường, bởi tác động của dịch  Covid-19. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch như: khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Cục QLTT luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT; các nghị quyết của Tỉnh uỷ, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, của UBND tỉnh Cà Mau, triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo ổn định thị trường phục vụ Nhân dân, nhất là tập trung vào các dịp cao điểm lễ, Tết và trong thời gian diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm, các đội QLTT địa bàn kiểm tra tổng số 581 vụ (bằng 68,4% so với kế hoạch năm, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương tăng 142 vụ), phát hiện vi phạm hành chính 165 vụ (tăng 36,4% so với cùng kỳ, tương đương tăng 44 vụ), xử phạt vi phạm hành chính 163 vụ, còn 2 vụ chờ xử lý. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hoá tịch thu hơn 1,3 tỷ đồng.

-  Vừa qua, Cục QLTT Cà Mau tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với Bưu điện tỉnh Cà Mau về hướng dẫn kiểm tra và xử lý tình huống đối với hàng hoá kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước. Xin ông cho biết lợi ích của việc này, cũng như kết quả bước đầu ghi nhận được ra sao?

Ông Huỳnh Vũ Phong: Ðây là nội dung chỉ đạo của Tổng cục QLTT để kịp thời phối hợp với đơn vị có liên quan như Bưu điện tỉnh..., thông qua đó kịp thời kiểm tra, kiểm soát hàng hoá vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, hoạt động vận chuyển hàng hoá trong thời gian tới. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng hoá qua đường bưu điện, quản lý hệ thống vận chuyển, đặc biệt trong điều kiện các bưu cục của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có hệ thống, mạng lưới khắp toàn quốc để thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vụ việc nhanh, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Trong hoạt động này có gặp những khó khăn, vướng mắc gì,  thưa ông?

Ông Huỳnh Vũ Phong: Ðây là nội dung mới nên trong quá trình thực hiện cũng khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Ðơn cử như đã qua, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng Internet thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận để cất giấu và vận chuyển hàng hoá tới tận tay người tiêu dùng, nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra. Việc chia sẻ thông tin của các đơn vị vận chuyển trong công tác khám kho hàng, khám phương tiện vận tải hoặc ít nhất là cung cấp thông tin về đối tượng bán hàng để lực lượng QLTT kịp thời xử lý còn nhiều hạn chế.

Các trường hợp vi phạm rõ ràng (quả tang) chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời, mà vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp (xác minh chủ thể, xác minh giao dịch, kiểm tra, lập biên bản vi phạm…).

Cùng với đó, việc truy xuất hàng hoá giao dịch đối với loại hàng hoá thông qua hoạt động thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, mua bán hàng hoá trên mạng đều thực hiện nhanh chóng và khó xác định; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hoá đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Việc kiểm soát, định danh người bán chưa thật sự chặt chẽ trong loại hình giao hàng, chuyển phát nhanh cũng là một kẽ hở để các đối tượng lợi dụng buôn bán hàng hoá vi phạm.

- Thời gian tới, dự báo dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đơn vị xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào nhằm ổn định thị trường hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Huỳnh Vũ Phong: Thời gian tới, nhất là trong tình hình áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường.

Ðặc biệt, chỉ đạo các đội QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan triển khai công tác kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác. Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chống thất thu thuế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mặt hàng lưu thông trên thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

 

Văn Ðum thực hiện