(CMO) Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phản biện xã hội đối với dự thảo Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phản biện xã hội đối với dự thảo Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại điểm cầu tỉnh Cà Mau. |
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời với mục đích hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Đồng thời, cụ thể hoá đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự thảo Dự án Luật gồm 6 chương, 49 điều, với những điểm mới cơ bản ở các phần về quy định chung; thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn; Về thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dãn chủ ở cơ sở; Thanh tra nhân dân và quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung góp ý về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo; việc thể hiện nguyên tắc thực hiện dân chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư, các nội dung liên quan dân bàn, dân biểu quyết trực tiếp nên mở rộng, bổ sung như thế nào cho phù hợp,…/.
Văn Đum